Phát huy vai trò của kinh tế tư nhân trong hoạt động khoa học, công nghệ
Chiều ngày 13-5, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại Hội trường, tiến hành thảo luận các nội dung quan trọng, trong đó có thảo luận dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, góp ý dự thảo luật vào chiều ngày 13-5.
Tham gia ý kiến với dự thảo đạo luật này, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, có các đề nghị để dự thảo thêm hoàn thiện.
Cần thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết 68-NQ/TW
Về tên gọi dự luật, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị tên gọi của dự thảo nên là Luật Khoa học, công nghệ sửa đổi và đổi mới sáng tạo; tên gọi như vậy là vừa đảm bảo tính kế thừa của luật hiện hành vừa nhấn mạnh khía cạnh đổi mới sáng tạo trong dự thảo luật.
Đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đặt vấn đề cần thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, vào dự thảo luật.
Cụ thể, Nghị quyết 68-NQ/TW nhấn mạnh phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, việc thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chính là yếu tố quyết định để tăng năng suất lao động, tạo sự đột phá tăng trưởng kinh tế bền vững. Để thực hiện được mục tiêu nêu trên cần phải có hành lang pháp lý đầy đủ giúp kinh tế tư nhân có thể tham gia tích cực vào hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Tôi đề nghị cần thể chế hóa kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 68-NQ/TW vào dự thảo luật để phát huy vai trò của kinh tế tư nhân trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo”, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh trao đổi.
Bốn vấn đề trong dự thảo luật cần quan tâm
Điều 4 dự thảo luật quy định doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm trong việc tạo ra và thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh và công nghệ mới, tuy nhiên dự thảo luật chưa cụ thể hóa vai trò này, nhất là việc phân bổ ngân sách, đổi mới sáng tạo dành riêng cho doanh nghiệp.
“Qua tham khảo kinh nghiệm một số nước như: Đức, Hàn Quốc cho thấy Nhà nước có chương trình tài trợ đổi mới sáng tạo hoặc có tỷ lệ chi ngân sách nghiên cứu, phát triển khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung một số nội dung vào dự thảo Điều 4 là Nhà nước có các chương trình riêng tài trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân”, đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang nêu ý kiến.
Về nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước tại Điều 12 dự luật, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh cho rằng pháp luật hiện hành và dự thảo luật khá nặng về cơ chế xét chọn nhiệm vụ khoa học công nghệ. Quy định như dự thảo thì các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân sẽ khó được lựa chọn tham gia các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cấp quốc gia, trong khi thực tế có nhiều doanh nghiệp có đủ năng lực.
Vì vậy, đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị bổ sung cơ chế tham gia của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân vào các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cấp quốc gia tại Điều 12 dự thảo, bảo đảm nguyên tắc đấu thầu công khai, minh bạch.
Trong khi đó, về quyền quản lý, sử dụng sở hữu kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, Điều 23 quy định tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước được tự động giao quyền quản lý, sử dụng và sở hữu kết quả nghiên cứu, trừ đối với nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tổ chức chủ trì có yếu tố nước ngoài, đại biểu này đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình rõ hơn và quy định như vậy thì có phù hợp với cam kết quốc tế không ? Bởi vì quy định như vậy sẽ dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài có khả năng chuyển giao công nghệ sẽ không mặn mà tham gia.
Thứ tư, về quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia và địa phương tại Điều 38 của dự thảo luật, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh nhất trí với việc thành lập hai quỹ này. “Tuy nhiên, tôi nhận thấy các quy định trong dự thảo luật chỉ phát huy tác dụng khi có quy định rõ về tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp, nên tôi đề nghị trong dự thảo luật hoặc giao Chính phủ quy định rõ tiêu chí lựa chọn; đồng thời bổ sung một số nội dung đó là Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia và địa phương hoạt động theo nguyên tắc thị trường, có cơ chế đánh giá rủi ro và giám sát độc lập”, đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh trao đổi thêm: Nghị quyết 57-NQ/TW xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là nền tảng phát triển nhanh và bền vững đất nước, trong khi Nghị quyết 68-NQ/TW khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân trong việc thực hiện hóa sứ mệnh như đã nói trên. Vì vậy, rất mong cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu để góp phần cởi trói, trao quyền và tạo niềm tin cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
|
T.THỨC – M. XUYÊN
Theo Báo Hậu Giang online