Thắng lợi liên tiếp trên các chiến trường Tây Nguyên, miền Trung trong những tháng đầu năm 1975 làm cho cục diện chiến trường thay đổi theo chiều hướng có lợi cho sự nghiệp cách mạng của quân và dân ta ở miền Nam. Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào trung tâm đầu não của chính quyền và quân đội Sài Gòn.
Ban Chỉ huy chiến dịch giải phóng thị xã Vị Thanh.
Lúc này, lực lượng địch tại thị xã Vị Thanh có trên 2.500 tên, bao gồm quân chủ lực 405 tên, bảo an 496 tên, cảnh sát 576 tên, phòng vệ dân sự 105 tên, phòng vệ xung kích và bọn tề 590 tên,... Nhiệm vụ chủ yếu của địch là phòng thủ bảo vệ bộ máy ngụy quyền tỉnh Chương Thiện, căn cứ Trung đoàn 31 (Sư đoàn 21 ngụy), hậu cứ tiểu đoàn bảo an 406, sân bay Vị Thanh,…
Về phía ta, ngày 26-4-1975, tại vườn ông Xã Ba, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, Ban Chỉ huy chiến dịch giải phóng thị xã Vị Thanh 1 tổ chức cuộc họp xây dựng phương án chiến đấu.
Cuộc họp đi đến thống nhất sử dụng 3 đại đội biệt động (307, 308, 309), du kích 3 vùng (Vùng I, II, III), 2 tiểu đoàn Quyết Thắng 1, 2 (Quân khu 9 tăng cường), 2 đại đội địa phương quân huyện Long Mỹ (97, 98) và Đội pháo (2 khẩu pháo 105mm và 500 viên đạn),... Thời gian nổ súng được thống nhất là đêm 1 tháng 5 năm 1975.
Trong quá trình quân và dân thị xã Vị Thanh đang gấp rút tiến hành các mặt công tác chuẩn bị phục vụ cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy thì nhận được tin Sài Gòn giải phóng vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, tiếp đến thành phố Cần Thơ giải phóng vào lúc 15 giờ ngày 30-4-1975. Từ đó, khí thế cách mạng của quân và dân thị xã Vị Thanh phát triển lên cao, tất cả sẵn sàng đợi lệnh nổ súng tiêu diệt kẻ thù để giải phóng quê hương.
Trước những chuyển biến mau lẹ trên chiến trường, Ban Chỉ đạo giải phóng thị xã Vị Thanh quyết định thời gian nổ súng diễn ra sớm hơn 12 giờ (tiến hành lúc 5 giờ sáng ngày 1-5-1975) và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị: Tiểu đoàn Quyết Thắng 2 phụ trách đánh Bộ Tư lệnh tiền phương Sư đoàn 21 và căn cứ Trung đoàn 31 ngụy; Đại đội 307 và du kích Vùng II đánh chiếm hậu cứ tiểu đoàn bảo an 406; Đại đội 308 và du kích Vùng III phối hợp cùng tiểu đoàn Quyết Thắng 1 đánh chiếm tiểu khu Chương Thiện; Đại đội 309 phối hợp cùng 2 đại đội 97, 98 địa phương quân huyện Long Mỹ đánh chiếm căn cứ đại đội 18 giang thuyền, sân bay Vị Thanh và Trung tâm yểm trợ tiếp vận; Du kích Vùng I phối hợp lực lượng binh vận thị xã, được tăng cường 1 phân đội cối 82mm đánh chiếm chi khu Đức Long; lực lượng an ninh vũ trang thị xã phối hợp với lực lượng an ninh vũ trang tỉnh đánh chiếm Ty Cảnh sát ngụy; nhân dân đồng loạt nổi dậy giải phóng các điểm còn lại trên địa bàn thị xã Vị Thanh.
Đúng theo hiệp đồng, 5 giờ sáng ngày 1-5-1975, các mũi tiến công của ta đồng loạt nổ súng đánh vào các đồn bót, căn cứ quân sự của địch trên địa bàn thị xã Vị Thanh.
Tại mũi tiến công vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn 21 và căn cứ Trung đoàn 31 ngụy, sau khi kết thúc đợt pháo kích bằng pháo 105mm do Mặt trận giải phóng thị xã chi viện, ta sử dụng loa phóng thanh kêu gọi địch đầu hàng. Quân ngụy trong căn cứ cử người ra thương lượng với ta, nhưng chưa chịu đầu hàng. Tiểu đoàn Quyết Thắng 2 tiếp tục dùng loa phóng thanh kết hợp cơ sở nội tuyến của ta ở Trung đoàn 31 ngụy kêu gọi địch buông súng, ta cử đại diện vào căn cứ thuyết phục địch đầu hàng. Đến 7 giờ 30 phút ngày 1-5-1975, địch mới chịu đầu hàng và giao nộp vũ khí cho chính quyền cách mạng, ta làm chủ căn cứ Trung đoàn 31 ngụy.
Tại mũi tiến công vào tiểu khu Chương Thiện, trận đánh giữa ta và địch diễn ra vô cùng ác liệt, bộ đội lợi dụng từng ngôi nhà, từng góc phố chiến đấu và từng bước áp sát tiểu khu.
Nhận thấy tình hình diễn ra theo chiều hướng bất lợi, đại tá Hồ Ngọc Cẩn dùng máy vô tuyến điện liên hệ Trung đoàn 31, các trận địa pháo Vịnh Chèo, Đức Long để chi viện nhưng không được, hắn ra lệnh cho binh lính lái xe Jeep xuống Trung đoàn 31 liên hệ lực lượng hỗ trợ.
Tuy nhiên, khi chiếc xe chạy gần đến căn cứ Trung đoàn 31, hắn mới biết bọn địch ở đây đã đầu hàng nên ra lệnh cho xe quay trở lại. Trên đường trở về tiểu khu Chương Thiện, chiếc xe Jeep chở Hồ Ngọc Cẩn bị bộ đội của tiểu đoàn Quyết Thắng 1 phát hiện dùng xe thiết giáp (chiếm được của địch trước đó) chặn lại và bắt sống tại ngã ba đường Lê Văn Duyệt - Ký Con (ngã ba đường 30/4 - Nguyễn Việt Hồng hiện nay) lúc 8 giờ ngày 01-5-1975.
Sau đó, ta buộc đại tá Hồ Ngọc Cẩn sử dụng máy vô tuyến điện kêu gọi binh lính trong tiểu khu và các điểm còn lại đầu hàng. Ta nhanh chóng làm chủ Dinh tỉnh trưởng Chương Thiện. Đại đội 308 biệt động phát triển đội hình chiến đấu đến khu vực cầu Lữ Quán thì vấp phải sự kháng cự quyết liệt của ổ đề kháng địch. Đến khi hay tin ta chiếm được Dinh tỉnh trưởng thì binh lính mới chịu buông súng đầu hàng, Đại đội 308 vào tiếp quản Tòa Hành chính.
Tại hậu cứ tiểu đoàn bảo an 406, do lực lượng địch rất đông (khoảng 300 tên), nên mũi tiến công của Đại đội 307 không phát triển đội hình vào bên trong được. Trước tình hình trên, Đại đội 307 quyết định ngừng bắn để cho cha mẹ, vợ con binh sĩ địch vào bên trong thuyết phục chồng, con bỏ súng quay về với gia đình. Đến 9 giờ 30 phút ngày 1-5-1975, khi hay tin Dinh tỉnh trưởng thất thủ, đại tá Hồ Ngọc Cẩn bị bắt, lực lượng địch tại hậu cứ mới chịu đầu hàng.
Trên hướng tiến công của Đại đội 309 và 2 đại đội địa phương quân huyện Long Mỹ, ta nổ súng tiêu diệt 15 tên địch, nhanh chóng làm chủ căn cứ của đại đội 18 giang thuyền. Tiếp đến, ta phát triển đội hình đánh chiếm sân bay, bắt được 8 tên, thu 5 máy PRC25 và nhiều vũ khí, nhưng chưa làm chủ được trận địa. Đến 9 giờ 30 phút ngày 1-5-1975, hay tin lực lượng cách mạng đã chiếm được tiểu khu Chương Thiện, bọn địch tại đây mới chịu đầu hàng, ta nhanh chóng làm chủ sân bay, thu nhiều vũ khí và bắt được nhiều tù binh.
Tại chi khu Đức Long, lực lượng vũ trang và khoảng 500 quần chúng kết hợp cùng với cha mẹ, vợ con binh sĩ kéo đến kêu gọi chồng con ra đầu hàng. Địch cử tên thiếu tá Võ Hồng Xuân, Quận trưởng ra cổng thương lượng với đại diện ta. Trong lúc hai bên đang thương lượng, quần chúng kéo nhau tràn vào chi khu. Trước tình thế trên, tên Quận trưởng phải đầu hàng, quân ta làm chủ chi khu. Lúc sau, có khoảng 200 tên địch từ Thác Lác kéo về, quan sát thấy cờ của Mặt trận treo ở chi khu Đức Long, đã giương cờ trắng, gặp cán bộ ta xin đầu hàng và giao nộp vũ khí.
Trên hướng tiến công vào Ty Cảnh sát ngụy, lực lượng an ninh nổ súng đánh vào lô cốt địch ở Cầu Đen và doanh trại cảnh sát dã chiến. Khi ta ngưng tiếng súng, bọn địch trong Ty Cảnh sát dùng loa yêu cầu ta ngừng nổ súng để hai bên thương lượng. Trong cuộc tiếp xúc giữa đại diện của ta với tên trung tá Võ Văn Đường, Trưởng Ty Cảnh sát, lúc đầu hắn chưa chịu đầu hàng mà chờ lệnh của cấp trên. Nhưng khi nghe đại diện của ta thuyết phục và nhận thấy tình thế không thể đảo ngược được nên bọn địch ở đây đã đồng ý đầu hàng. Quân ta tiến vào làm chủ Ty Cảnh sát, mở khám giải thoát cho 20 tù chính trị, bắt sống được 165 tên.
Cùng thời gian trên, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, nhân dân trên địa bàn thị xã Vị Thanh đồng loạt nổi dậy chiếm nhiều căn cứ, đồn bót địch ở 14 điểm khác nhau tại Vị Thiện, Vị Tín, Vị Hưng, Vị Thành, Nhà Đèn, Công chánh, bệnh viện, Ty Nông nghiệp, Phòng Tuyển mộ nhập ngũ,… thu trên 500 khẩu súng giao nộp cho chính quyền cách mạng.
Hưởng ứng Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, quân và dân thị xã Vị Thanh đã phối hợp nhịp nhàng với bộ đội chủ lực Quân khu 9, địa phương quân huyện Long Mỹ, an ninh vũ trang tỉnh đồng loạt tiến công đập tan cơ quan đầu não chính quyền tỉnh Chương Thiện, hỗ trợ kịp thời cho quần chúng nổi dậy làm tan rã hệ thống ngụy quân, ngụy quyền các cấp, giải phóng hoàn toàn thị xã Vị Thanh và lúc 9 giờ 30 phút ngày 1-5-1975.
Bài, ảnh: LÂM VĂN MINH
Ban Khoa học quân sự, Bộ CHQS tỉnh Hậu Giang
* Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử lực lượng vũ trang thị xã Vị Thanh (1966-1975), NXB. QĐND, 2013, tr.101-110.
- Lịch sử lực lượng biệt động thị xã Vị Thanh (1966-1975), NXB. CTQG, 2015, tr.174-180.
1. Tháng 4-1975, Ban chỉ đạo giải phóng thị xã Vị Thanh được thành lập, gồm 8 ủy viên do đồng chí Trần Nam Phú - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội Cần Thơ làm Trưởng ban.