Đại thắng mùa Xuân 1975 - nguồn lực tinh thần bất tận để Hậu Giang cùng cả nước vươn mình
50 năm trôi qua nhưng Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến thắng 30/4/1975 vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất và phát triển cho cả dân tộc Việt Nam.
Chiến trường Hậu Giang - khởi nguồn Nghị quyết số 21, quyết tâm giải phóng miền Nam
Trong kháng chiến chống Mỹ, Hậu Giang giữ vị trí chiến lược trọng yếu ở miền Tây Nam Bộ, là cửa ngõ vào căn cứ U Minh. Sau Hiệp định Paris 1973, địch huy động lực lượng lớn (lên tới 75 lượt tiểu đoàn và tương đương) nhằm lấn chiếm, bình định vùng đất này. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Khu ủy Khu 9 và sự chỉ huy trực tiếp của các đồng chí Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh, quân dân Hậu Giang cùng với lực lượng bộ đội chủ lực của Quân khu đã kiên cường chiến đấu, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 40.000 tên địch, giải phóng 120 ấp với trên 80.000 dân, tạo nên chiến thắng vang dội, củng cố thế và lực cách mạng.
Chiến thắng Hậu Giang không chỉ góp phần làm thất bại âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của địch mà còn là cơ sở thực tiễn quan trọng để Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 21 (10/1973), quyết tâm giải phóng miền Nam. Phát huy tinh thần Nghị quyết, quân và dân Hậu Giang cùng cả nước đồng lòng tiến công, góp phần vào thắng lợi vĩ đại mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.
Hình ảnh tái hiện lại lượt càn của tiểu đoàn địch tại Chương Thiện trong Lễ kỷ niệm 37 năm Chiến thắng 75 lượt Tiểu đoàn địch, gắn với kỷ niệm 35 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Chinhphu.vn
Phát huy tinh thần Nghị quyết số 21, Hậu Giang cùng cả nước tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước
Phát huy thành quả cách mạng đạt được, đặc biệt sau khi có Nghị quyết số 21, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh phối hợp với lực lượng chủ lực của Khu 9 đóng trên địa bàn cùng với chiến trường cả nước vừa tiếp tục chiến đấu, vừa xây dựng, kiến thiết quê hương.
Trước diễn biến mau lẹ của tình hình chiến trường miền Nam, Hội nghị Bộ Chính trị cuối tháng 12/1974 đã bổ sung và hoàn chỉnh quyết tâm chiến lược, kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi liên tiếp trên các chiến trường Tây Nguyên, miền Trung trong những tháng đầu năm 1975 đã làm cục diện chiến trường thay đổi nhanh chóng theo chiều hướng có lợi cho sự nghiệp cách mạng của quân và dân ta ở miền Nam, nên ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào trung tâm đầu não của chính quyền và quân đội Sài Gòn.
Lúc này, quân ngụy ở Hậu Giang chủ trương rút bỏ các đồn bót bị cô lập, xa xôi hẻo lánh để tập trung lực lượng về phòng thủ, bảo vệ các căn cứ then chốt, các mục tiêu quan trọng. Lực lượng địch tại mỗi huyện có khoảng 1 đại đội bảo an, lực lượng phòng vệ dân sự, phòng vệ xung kích và bộ máy ngụy quyền cấp huyện, xã.
Về phía ta, hưởng ứng Chiến dịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị mở rộng tại Cảng Chủ Hàng, xã Vĩnh Tường, huyện Long Mỹ trong thời gian 3 ngày (từ ngày 22 - 24/4/1975), để học tập chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và triển khai kế hoạch giải phóng tỉnh nhà. Tiếp nhận Nghị quyết của Trung ương và tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy Cần Thơ, quân và dân trong tỉnh ráo riết chuẩn bị toàn diện về mọi mặt cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương.
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, quân giải phóng đánh chiếm dinh Độc Lập, buộc Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, đã làm cho quân ngụy trên địa bàn Hậu Giang trở nên hoang mang, dao động cực độ. Trong khi đó, khí thế cách mạng của quân và dân ta phát triển lên cao, sẵn sàng nổ súng tiêu diệt kẻ thù để giải phóng quê hương. Sau khi có hiệu lệnh của cấp trên, các lực lượng đồng loạt tấn công địch trên khắp chiến trường trong tỉnh. Lần lượt các huyện, thị trên địa bàn tỉnh được giải phóng trong ngày 03/4 và 1/5, huyện Long Mỹ là địa phương cuối cùng của tỉnh được giải phóng vào lúc 13 giờ ngày 1/5/1975 khi ta tiếp quản yếu khu Trà Lồng.
Với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, cả dân tộc Việt Nam đồng lòng chung sức đã lập nên một Đại thắng Mùa Xuân 1975, đánh đổ hoàn toàn dinh luỹ cuối cùng của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai trên đất nước ta. Thắng lợi này “Mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 ở Hậu Giang là một bộ phận, một phần trong thắng lợi vĩ đại chung đó của dân tộc; là thắng lợi lớn nhất, vĩ đại nhất của quân và dân Hậu Giang trong cuộc chiến tranh yêu nước, chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ; đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ, dân - quân tỉnh Cần Thơ nói chung và dân - quân Hậu Giang nói riêng. Hơn 20 năm chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, với truyền thống kiên cường, bất khuất vượt qua mọi gian khổ hy sinh, Đảng bộ quân dân tỉnh Hậu Giang tự hào đã góp phần cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân.
Hậu Giang: hơn 20 năm vươn mình mạnh mẽ từ nguồn lực tinh thần đại thắng Mùa Xuân
Đại thắng Mùa Xuân 1975 đã để lại cho dân tộc Việt Nam một nguồn lực tinh thần vô giá - nguồn lực của lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường và khát vọng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh. Đối với Hậu Giang, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, ý nghĩa của chiến thắng 1975 càng trở nên sâu sắc. Từ một vùng căn cứ kháng chiến còn nhiều bộn bề gian khó, Hậu Giang đã không ngừng vươn lên, từng bước khẳng định vị thế mới trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như trên bản đồ phát triển của cả nước.
Hai mươi năm trước, khi mới được tái lập, Hậu Giang đối mặt với muôn vàn thách thức. Xuất phát điểm kinh tế thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp truyền thống, tỷ lệ hộ nghèo cao, kết cấu hạ tầng yếu kém, nguồn nhân lực hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Tỉnh còn thiếu các nguồn lực về tài chính, doanh nghiệp, y tế, giáo dục; đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn. Nhưng với tinh thần “bền gan vững chí”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang đã biến khó khăn thành động lực, biến thử thách thành cơ hội để từng bước dựng xây quê hương.
Chỉ trong vòng hai thập kỷ, bức tranh kinh tế - xã hội của Hậu Giang đã có sự chuyển mình ngoạn mục. Nếu như năm 2004, quy mô kinh tế của tỉnh chỉ đạt khoảng 4.700 tỷ đồng - mức thấp nhất toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thì đến năm 2024, con số này đã tăng lên xấp xỉ 63.000 tỷ đồng, gấp hơn 13 lần. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 8,76%, đưa Hậu Giang vươn lên xếp thứ 2 toàn vùng và đứng thứ 15 trong cả nước, một thành tích đáng tự hào cho một tỉnh trẻ, xuất phát điểm thấp.
Thu nhập bình quân đầu người cũng đã có bước tiến vượt bậc, từ mức 5,297 triệu đồng/năm (năm 2003) lên 93,78 triệu đồng/năm vào cuối năm 2024, tăng gấp hơn 18 lần. Đây không chỉ là con số khẳng định sự tăng trưởng về kinh tế, mà còn phản ánh những chuyển biến thực chất trong đời sống người dân: từ thu nhập, việc làm đến chất lượng hưởng thụ văn hóa, y tế, giáo dục.
Một trong những dấu ấn nổi bật nhất trong hành trình 20 năm qua của Hậu Giang chính là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ. Từ một nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào nông nghiệp truyền thống, tỉnh đã chuyển hướng phát triển theo mô hình công nghiệp - dịch vụ, lấy công nghiệp chế biến làm trụ đỡ quan trọng. Các khu, cụm công nghiệp như Sông Hậu, Tân Phú Thạnh, Đông Phú đã được hình thành và phát triển, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư, tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương. Công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản không chỉ gia tăng giá trị sản phẩm, mà còn kết nối Hậu Giang với chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Hậu Giang phấn đấu là trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: baochinhphu.vn
Bên cạnh công nghiệp, khu vực dịch vụ cũng có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là trong các lĩnh vực vận tải, thương mại, logistics. Với lợi thế nằm trên trục hành lang kinh tế quốc tế ven biển và có mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy thuận lợi, Hậu Giang đã và đang trở thành đầu mối kết nối quan trọng giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với các trung tâm kinh tế lớn trong và ngoài nước.
Sự phát triển kinh tế kéo theo sự đổi thay toàn diện về hạ tầng xã hội. Các tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 61C, tuyến tránh thành phố Vị Thanh, các cầu, đường liên huyện, liên xã được xây dựng, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, thu hút đầu tư. Lĩnh vực giáo dục và y tế cũng được đầu tư đồng bộ: tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng nhanh; hệ thống bệnh viện, trung tâm y tế tuyến tỉnh, huyện được nâng cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Chính sách an sinh xã hội được chú trọng thực hiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng cải thiện. Các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo được triển khai sâu rộng. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn dưới 2%, nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn Hậu Giang.
Trong dòng chảy phát triển chung, Hậu Giang không quên giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Các di tích lịch sử cách mạng, các lễ hội văn hóa dân gian được bảo tồn và khai thác hiệu quả, vừa giáo dục truyền thống, vừa phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp. Những sản phẩm đặc sản như khóm Cầu Đúc, cá thát lát, mía tím Phụng Hiệp... không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn được quảng bá rộng rãi ra thị trường trong nước và quốc tế.
Những thành tựu đạt được trong 20 năm qua là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ, của ý chí và khát vọng vươn lên mạnh mẽ từ nguồn lực tinh thần bất tận mà Đại thắng Mùa Xuân 1975 để lại. Đó là bài học về sức mạnh đoàn kết, bản lĩnh vượt khó, sự sáng tạo không ngừng - những giá trị đã thấm sâu vào máu thịt của mỗi người con Hậu Giang.
Bước vào giai đoạn mới, với nền tảng vững chắc đã được gây dựng, Hậu Giang tiếp tục đặt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững hơn, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện, nhằm thực hiện khát vọng trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong tương lai không xa, cùng với thành phố Cần Thơ, Hậu Giang sẽ là một phần quan trọng trong đô thị hạt nhân của vùng Tây Nam Bộ - một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục, y tế và văn hóa năng động, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của cả vùng và cả nước.
Với nền tảng lịch sử hào hùng và sức bật từ tinh thần Đại thắng Mùa Xuân 1975, Hậu Giang đang tự tin vững bước trên hành trình mới, tiếp tục vươn mình mạnh mẽ cùng dân tộc vào kỷ nguyên phát triển rực rỡ.