Góp ý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng chí Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề xuất 3 nội dung để dự thảo hoàn thiện hơn.
Đồng chí Lê Thị Thanh Lam phát biểu vào sáng 13-5.
Sáng ngày 13-5, Quốc hội khóa XV thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Về các điều luật, đồng chí Lê Thị Thanh Lam cơ bản thống nhất; đánh giá cao tinh thần tiếp thu chỉnh lý của Ban soạn thảo và báo cáo, giải trình của cơ quan thẩm tra.
Để đạo luật sau khi có hiệu lực thi hành đáp ứng yêu cầu thực tế, đồng chí để nghị điều chỉnh, bổ sung 3 nội dung về tiền lương, thù lao, tiền thưởng; công khai thông tin về hoạt động của doanh nghiệp và nội dung về chuyển nhượng vốn của nhà nước tại doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp.
Tại khoản 2 Điều 24 dự thảo, quy định: Tiền lương, thù lao, tiền thưởng cho người lao động, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên tại doanh nghiệp được trích từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp; theo đồng chí Lê Thị Thanh Lam, quy định như vậy là chưa phù hợp.
Bởi vì theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, đây là khoản chi phí hợp lý của doanh nghiệp; quy định trên không bảo đảm phản ánh nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí tại doanh nghiệp và không phản ánh đúng quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động, người lao động; đối với doanh nghiệp lỗ phải sử dụng ngân sách sẽ tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, không phản ánh tiền lương, tiền công bảo đảm nguyên tắc thị trường, việc hạch toán lợi nhuận thường theo quý và quyết toán theo năm dẫn đến việc trả lương không kịp thời, đầy đủ cho đối tượng nhận chi trả.
“Tiền lương, thù lao, tiền thưởng thuộc về chi phí lao động, tức là phải đưa vào chi phí, không đưa vào lợi nhuận sau thuế, nếu lấy từ lợi nhuận sau thuế thì phải tính vào tiền thưởng. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng việc chi tiền lương, thưởng cho người lao động do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn/doanh nghiệp cử, giới thiệu, thuê làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp là chi phí hợp lý của doanh nghiệp trước thuế”, đồng chí Lê Thị Thanh Lam trao đổi.
Về công khai thông tin hoạt động của doanh nghiệp theo Điều 55 dự thảo, đồng chí Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thanh Lam thông tin, thực tế hiện nay việc công bố thông tin của các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa được thực hiện đồng bộ; có doanh nghiệp tuân thủ tốt các quy định công bố thông tin, nhưng cũng không ít doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện nghiêm túc như không công bố, công bố chậm.
“Điều này làm giảm hiệu quả giám sát của xã hội đối với các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho người dân. Vậy nên tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các quy định về biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ công bố thông tin này. Có thể cân nhắc một số cơ chế như nêu tên hoặc xử phạt các trường hợp doanh nghiệp thực hiện không đầy đủ, nghiêm túc các quy định về công bố thông tin”, đồng chí Lê Thị Thanh Lam nêu ý kiến.
Vấn đề thứ ba, chuyển nhượng vốn của nhà nước tại doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp, đại biểu Lam đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào luật một số điều quy định cụ thể về bảo vệ quyền tài sản của bên mua khi tham gia mua vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo đó, trong trường hợp bên mua ngay tình - không biết và không có nghĩa vụ phải biết, trước những sai sót của bên bán trong quá trình giao dịch thì quyền tài sản của bên mua đối với phần vốn đã mua được pháp luật bảo vệ. Thêm vào đó, trong các trường hợp đấu giá công khai, minh bạch, đúng trình tự thủ tục, không có gian lận, có nhiều người tham gia đấu giá độc lập thì kết quả đấu giá phải được pháp luật bảo vệ.
T.T – M.X
Theo Báo Hậu Giang online