Với phương châm “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất”, công tác dân vận tại Hậu Giang đã, đang hướng về cơ sở, đạt được nhiều kết quả.
Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2024) và 25 năm “Ngày Dân vận của cả nước” (15/10/1999 - 15/10/2024), phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc phỏng vấn ông Sầm Hoàng Minh (ảnh), Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, về kết quả nổi bật, các mô hình dân vận hiệu quả, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.
Ông Sầm Hoàng Minh cho biết:
- Trong hành trình phát triển của Hậu Giang, công tác dân vận vừa là một nhiệm vụ, vừa là cầu nối thiêng liêng giữa Đảng với Nhân dân. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, chúng tôi đã triển khai Kế hoạch số 70 của Ban Dân vận Trung ương và Chỉ thị số 40 về đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” từ năm 2020. Bằng sự nỗ lực, chúng tôi hướng tới việc đưa phong trào “Dân vận khéo” đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo nên những mô hình tiêu biểu gần gũi, sát dân.
Cụ thể đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 12.992 mô hình “Dân vận khéo” đăng ký, trong đó có 11.679 mô hình được công nhận; những mô hình “Vận động nhân dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả” hay “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn thổi bùng ngọn lửa đoàn kết trong cộng đồng.
Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đã chủ động đưa nội dung xây dựng mô hình “Dân vận khéo” vào tiêu chí đánh giá công tác dân vận, tạo không khí thi đua sôi nổi, khơi dậy tinh thần tự giác và trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang.
Chúng tôi còn kịp thời biểu dương 3.100 tập thể, cá nhân tiêu biểu, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân, khẳng định vai trò quan trọng của công tác dân vận trong gắn kết mọi tầng lớp xã hội. Chính nhờ những nỗ lực này mà tỉnh đã có 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7 xã nông thôn mới nâng cao, 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành tiêu chí nông thôn mới.
Chúng tôi xác định rằng, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân là điều kiện tiên quyết để xây dựng tỉnh đoàn kết và mạnh mẽ, nơi mỗi người dân đều có tiếng nói và đóng góp cho sự phát triển chung. Từ sự đồng lòng này, sẽ tạo nên sức mạnh đại đoàn kết, vững vàng vượt qua mọi thử thách.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh việc “lấy dân làm gốc” để xây dựng nền tảng đại đoàn kết. Vậy kết quả nổi bật nào đã được ghi nhận để thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, thưa ông ?
- Trong vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy không ngừng nỗ lực tham mưu để tăng cường công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện dân chủ đồng bộ, kịp thời.
Chúng tôi nỗ lực phổ biến rộng rãi các chính sách, giúp mỗi người dân hiểu rõ vai trò, quyền lợi của mình trong quản lý và giám sát hoạt động của chính quyền.
Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được cấp ủy, tổ chức đảng các cấp coi trọng. Mỗi cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu đã nghiêm túc lãnh đạo, tổ chức thực hiện dân chủ. Thông qua tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo và Nhân dân, chúng tôi đã xử lý kịp thời phản ánh, kiến nghị, củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đóng góp đáng kể vào công tác tuyên truyền, mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc củng cố bộ máy chuyên trách giúp công tác dân vận trở nên hiệu quả hơn.
Những tháng đầu năm, chúng tôi giám sát 83 nội dung, tổ chức 86 cuộc phản biện xã hội và 70 cuộc để Nhân dân góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, cho thấy nỗ lực giữ vững niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Chúng tôi luôn ghi nhớ rằng, thành công lớn nhất chính là sự hài lòng và niềm tin của Nhân dân - những người đồng hành với chúng tôi trên con đường xây dựng, phát triển Hậu Giang.
Điều gì làm ông tâm đắc nhất trong công tác dân vận thời gian qua ?
- Với phương châm “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất”, công tác dân vận tại Hậu Giang đã thể hiện rõ quyết tâm hướng về cơ sở. Đặc biệt, các cấp ủy đã thực hiện nghiêm Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, mở ra những kênh lắng nghe nguyện vọng của dân. Qua đó, nhiều vấn đề bức xúc được giải quyết kịp thời, nhận được sự đồng tình từ Nhân dân.
Bên cạnh những kết quả, ông nhận thấy công tác dân vận cần phải nâng chất như thế nào ?
- Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật liên quan đến dân chủ ở cơ sở chưa thật sự liên tục, phong phú. Ở nhiều nơi, việc thực hiện dân chủ còn chưa bền vững, với chất lượng, hiệu quả không đồng đều, mặc dù số lượng mô hình đạt yêu cầu. Đặc biệt, công tác giám sát, phản biện xã hội cấp cơ sở vẫn lúng túng, chưa phát huy đúng vai trò của mình.
Để khắc phục, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các chủ trương của Trung ương về dân chủ ở cơ sở; tập trung vào các chỉ thị, kết luận quan trọng của Đảng, đặc biệt là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở hiện hành.
Ngoài ra, việc thực hiện các nghị quyết, nhất là Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy, cần được lồng ghép chặt chẽ với các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước. Phong trào “Dân vận khéo” sẽ là công cụ hữu hiệu, nâng cao tính thiết thực trong công tác dân vận, góp phần xây dựng mối quan hệ gần gũi giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Qua đó, tạo ra chuyển biến tích cực trong nếp nghĩ và cách làm của mỗi cán bộ, đảng viên.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, tích cực vận động nhân dân tham gia phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, đồng thời chủ động giám sát, phản biện xã hội, làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Với quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị và Nhân dân, công tác dân vận sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng Hậu Giang phát triển bền vững !
Xin trân trọng cảm ơn ông !
THẢO TIÊN thực hiện