Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là điều kiện tiên quyết của đặc khu hải đảo
“Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia phải là điều kiện tiên quyết, số 1 của đặc khu hải đảo", Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) vừa được Quốc hội thảo luận tại tổ chiều ngày 07/5/2025.
Rà soát điều khoản chuyển tiếp, tránh bỏ sót nhiệm vụ, gián đoạn
Cơ bản nhất trí với tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương theo 2 cấp (tỉnh và xã) như phạm vi sửa đổi của dự án Luật, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, có 2 nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang
Cụ thể, về đơn vị hành chính đặc khu. Tại khoản 2 Điều 1 về đơn vị hành chính xác định “đặc khu là đơn vị hành chính ở hải đảo được thành lập phù hợp với quy mô dân số, diện tích tự nhiên, điều kiện địa lý, dân cư, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh".
Đây là nội dung thể chế hóa các Kết luận số 126-KL/TW, Kết luận số 127-KL/TW, Kết luận số 130-KL/TW và Kết luận số 137-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
"Có thể hiểu quy định nêu trên bao gồm các điều kiện thành lập đơn vị hành chính đặc khu như: điều kiện về dân số, diện tích, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh".
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 8 về điều kiện thành lập, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính quy định:“việc thành lập đặc khu ở hải đảo còn phải bảo đảm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển, hải đảo, phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, thu hút người dân ra sinh sống tại đặc khu và phù hợp với chủ trương của cấp có thẩm quyền”.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị rà soát lại 2 nội dung nêu trên để bảo đảm tính thống nhất.
"Điều kiện “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia” tại sao lại là điều kiện “còn phải”? Đây phải là điều kiện tiên quyết, số 1 của đặc khu hải đảo; đồng thời bảo đảm tính lô-gic của vấn đề, kể cả hải đảo đó không bảo đảm các điều kiện về diện tích, dân số,... nhưng để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì vẫn có thể thành lập đơn vị hành chính đặc khu hải đảo", đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Về quy định chuyển tiếp, đại biểu nhận thấy, điều khoản chuyển tiếp là một trong những điều khoản phức tạp nhất của các dự thảo Luật. Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng không phải ngoại lệ.
Cơ quan chủ trì thẩm tra cũng đề nghị tiếp tục rà soát các quy định chuyển tiếp để tránh bỏ sót nhiệm vụ, gián đoạn... khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm thuận lợi cho người dân, tổ chức.
Bày tỏ về cơ bản tán thành quy định chuyển tiếp về 9 nội dung như thể hiện trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng đề nghị bổ sung một số quy định chuyển tiếp thực hiện đối với hồ sơ, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, nay chuyển về cấp xã giải quyết (du lịch, lĩnh vực đất đai, môi trường...), theo hướng không yêu cầu tổ chức, cá nhân phải làm lại hồ sơ, chỉ đơn giản hóa, không làm phát sinh thêm thủ tục, thực hiện đúng chủ trương về cải cách thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị làm rõ việc chuyển tiếp thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác của cấp huyện nhưng chưa được thể hiện trong quy định chuyển tiếp. Ví dụ: khiếu nại về hành chính đối với hành vi hành chính, quyết định của người có thẩm quyền của chính quyền cấp huyện... Nhấn mạnh đây là nội dung rất quan trọng, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật.
Bổ sung đầy đủ quy định của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung
Trao đổi thêm về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật trình Quốc hội.
Với 7 chương, 52 điều, dự thảo Luật đã thể chế hóa chủ trương của Đảng, hiện đại hóa công tác quản lý cán bộ, công chức, tinh giản biên chế và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Về chính sách kéo dài thời gian công tác, theo đại biểu, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Trong đó, xác định nhiệm vụ, giải pháp “Có cơ chế, chính sách kéo dài thời gian công tác, không giữ chức vụ cho một số cán bộ, công chức đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc về xây dựng pháp luật”.
"Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định cụ thể nội dung này". Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát thể chế hóa chủ trương của Đảng về chính sách kéo dài thời gian công tác đối với cán bộ, công chức đã đủ tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Luật để thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 66-NQ/TW cũng xác định nhiệm vụ “Thu hút, tiếp nhận chuyên gia, nhà khoa học pháp lý, luật gia, luật sư giỏi vào khu vực công”. Nhưng Điều 24 của dự thảo Luật về phương thức tuyển dụng lại chỉ áp dụng hình thức tiếp nhận đối với người có tài năng. Do đó, cần rà soát để bảo đảm tính thống nhất giữa quy định của dự thảo Luật với Nghị quyết 66-NQ/TW, tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát bổ sung đầy đủ các quy định của Đảng về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, nghiên cứu luật hóa các quy định tại Nghị định số 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ để bảo đảm đầy đủ khung khổ pháp lý miễn, giảm trách nhiệm đối với cán bộ, công chức.
Đặc biệt, về quy định chuyển tiếp tại Điều 51, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ, đây là điều khoản quan trọng để đảm bảo tính liên tục và công bằng trong quá trình chuyển đổi mô hình chính quyền 2 cấp.
"Tuy nhiên, tính khả thi của điều khoản trên lại phụ thuộc vào hướng dẫn chi tiết, nguồn lực tài chính và công tác tổ chức thực hiện. Nếu được thực hiện tốt, quy định này sẽ hỗ trợ hiệu quả việc tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Ngược lại, nếu thiếu chuẩn bị, nó có thể gây bất ổn và ảnh hưởng đến hoạt động hành chính cơ sở. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý nội dung này", đại biểu nhấn mạnh.
Theo Quỳnh Chi Báo Đại biểu nhân dân online