Tháng Năm về, sen lại nở trắng muốt trên khắp ruộng đồng Hậu Giang - loài hoa mộc mạc mà thanh cao, như chính cuộc đời của Bác. Trong doanh trại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hậu Giang, ảnh Bác vẫn trang nghiêm trên bàn thờ Tổ quốc, gợi nhắc bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ về lý tưởng cách mạng mà Người đã dày công vun đắp. Hương sen và ánh mắt Bác – hai hình ảnh giản dị mà thiêng liêng – vẫn lặng thầm truyền cảm hứng, soi rọi con đường rèn luyện, chiến đấu và cống hiến của người lính hôm nay.
Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh viếng Chủ tịch Hồ CHí Minh tại đơn vị
Theo dấu chân Người - đó không chỉ là nhắc nhớ đến những năm tháng lịch sử, mà còn là sống trọn một hành trình tự soi, tự sửa, dấn thân và phụng sự. Ở nơi đất Hậu Giang hiền hòa mà kiên cường, trong từng thao trường rực nắng hay những mái nhà đơn sơ, tinh thần của Bác vẫn lặng thầm lan tỏa, dẫn dắt từng hành động, từng suy nghĩ của người lính cách mạng.
Không phải bằng những lời kêu gọi hào hùng, mà bằng những hành động cụ thể, gần dân, sát dân, vì dân. Học Bác, với người lính hôm nay, không phải là sao chép lại quá khứ, mà là dựng lên hiện tại bằng sự tử tế, chính trực và đầy trách nhiệm. Cũng từ đó, ở LLVT tỉnh Hậu Giang, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam, thành động lực thôi thúc trong từng mệnh lệnh, từng quyết định và từng việc làm hằng ngày.
Từ phòng làm việc đến những buổi hành quân, từ thao trường huấn luyện đến những vùng quê nghèo heo hút, lý tưởng mà Bác để lại vẫn được gìn giữ, nối dài qua từng bước chân của cán bộ, chiến sĩ. Những người lính nơi đây không ồn ào khẩu hiệu, không cầu kỳ hình thức. Họ học Bác bằng sự bền bỉ và tinh thần phụng sự lặng thầm - như cách mang từng bao xi măng vượt lũ để làm cầu dân sinh, như cách sẻ chia khó khăn cùng dân không kể nắng mưa. Đại úy Lê Hoàng Ba, Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát cơ giới chia sẻ: “Học Bác không phải ở chỗ nói thế nào cho hay, mà là làm sao cho đúng, cho trọn với dân.”
Chính từ sự mộc mạc ấy, những mô hình như “Ngày thứ Bảy vì dân”, “Nâng bước em đến trường”, “LLVT tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”… không còn là phong trào thoáng qua, mà đã trở thành cách sống, thành thước đo của niềm tin mà nhân dân gửi gắm nơi Bộ đội Cụ Hồ.
Tại xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ – một trong những địa bàn còn nhiều khó khăn của tỉnh Hậu Giang – bước chân chúng tôi dừng lại bên cây cầu Đồng Tâm 143 thuộc ấp 6, bắc ngang kênh 9. Bên kia cầu là con đường bê tông rộng 2,5 mét vắt ngang giữa đồng lúa mênh mông – một minh chứng cụ thể, sinh động cho sự dấn thân đầy trách nhiệm và nhân văn của người lính hôm nay.
“Mấy chú bộ đội, dân quân phối hợp cùng địa phương làm cái đường này đó nghen. Lúc đầu tưởng làm chơi, ai dè làm thiệt, có ngày nào nghỉ đâu!” – lời ông Danh Út, một người dân Khmer, chứa đựng niềm cảm mến chân thành. Đó không chỉ là công trình giao thông nông thôn, mà là chiếc cầu nối giữa lòng dân với ý Đảng, là dấu ấn của tình quân – dân keo sơn, bền chặt.
Ẩn sau mỗi công trình, mỗi giọt mồ hôi thấm đẫm trên con đường quê ấy là một cách học và làm theo Bác rất đỗi chân thành, mộc mạc. Người lính hôm nay không học Bác bằng lời nói hoa mỹ, mà bằng việc làm cụ thể, bền bỉ vì dân, vì nước. Như đồng chí Phạm Ngọc Tuấn – Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Xà Phiên khiêm tốn nói: “Mình không giỏi giang gì đâu, chỉ ráng làm cho dân tin, dân thương. Dân khen là tụi tôi mừng rồi.” Câu nói ấy giản dị, nhưng chất chứa trong đó một phương châm sống và hành động đầy sức nặng, nơi lòng dân là thước đo chuẩn xác nhất cho sự cống hiến của người lính.
Tinh thần ấy không chỉ thể hiện trong những công trình hay phong trào cụ thể, mà còn lan tỏa sâu rộng trong ý thức tu dưỡng, rèn luyện của từng cán bộ, chiến sĩ. Học theo Bác, người lính không mong được tuyên dương, mà chỉ cần việc mình làm đem lại lợi ích thiết thực cho dân. Chính tinh thần ấy đã thúc đẩy phong trào thi đua học và làm theo Bác ngày càng đi vào chiều sâu, lan tỏa từ cơ quan, đơn vị đến từng xóm, ấp.
Trong hành trình ấy, có những tấm gương chọn cách học Bác từ sự giản dị trong từng việc nhỏ. Thiếu tá, bác sĩ Đặng Chí Bình – Chủ nhiệm Quân y Bộ CHQS tỉnh, là một trong những người như vậy. Xuất thân từ thành phố Cần Thơ, anh tình nguyện về công tác tại Hậu Giang, không chỉ mang theo chuyên môn mà còn cả tinh thần phục vụ tận tụy. Trong các đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, anh luôn là người đi đầu trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng: đo huyết áp, phát thuốc, rửa vết thương, hướng dẫn bà con cách phòng bệnh.
Anh chia sẻ: “Tôi nghĩ học Bác từ cái tâm trước. Bác từng nói thầy thuốc như mẹ hiền, thì với mình, dân là người thân. Có khi chỉ là rửa vết thương cho một cụ già, hay trò chuyện với một đứa trẻ, nhưng điều đó giúp người dân tin hơn vào bộ đội.”
Tinh thần học và làm theo Bác không dừng lại ở lực lượng thường trực mà còn lan tỏa trong lực lượng dân quân tự vệ. Tại tiểu đội dân quân thường trực huyện Long Mỹ, trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn, anh em vẫn kiên trì giữ nền nếp gọn gàng, tiết kiệm từng viên gạch để gia cố hàng rào, sửa lại nhà vệ sinh đơn vị, cải thiện đời sống sinh hoạt.
Trung tá Huỳnh Vũ Lăng, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện, chia sẻ: “Học Bác không phải chuyện lớn lao gì cả. Ở đơn vị, anh em bảo nhau: thấy rác thì lượm, thấy sai thì sửa, thấy dân khó thì giúp. Mình làm gương, rồi tập thể cùng làm theo. Học Bác không phải một ngày – mà là cả đời.”
Điều đáng trân trọng trong cách học Bác ở LLVT tỉnh Hậu Giang là sự gắn kết chặt chẽ giữa học tập tư tưởng Hồ Chí Minh với thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Việc học không dừng lại ở khẩu hiệu, mà trở thành điểm tựa để từng cán bộ, đảng viên nhìn lại mình, sửa mình và trưởng thành qua từng hành động. Nhiều tập thể, cá nhân điển hình đã được biểu dương, nhưng điều đáng quý hơn là sự chuyển biến tích cực trong suy nghĩ, phong cách làm việc và ứng xử hằng ngày.
Đại tá Bằng Lưu Phương – Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, khẳng định: “Điều mà chúng tôi kiên định là đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên, là nền nếp văn hóa trong mỗi cán bộ, chiến sĩ. Học Bác không chỉ để hoàn thành nhiệm vụ mà còn là để sống tốt hơn, nhân ái hơn, tử tế hơn trong mọi hoàn cảnh.”
Tháng Năm vẫn thắm sắc sen hồng. Trên những chặng đường hành quân, dưới từng khu doanh trại quân đội, trên thao trường huấn luyện hay từng chốt gác… vẫn lặng thầm vang vọng câu nói giản dị của Bác: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.” Theo dấu chân Người - không phải chỉ là học theo lời dạy, mà là sống trọn vẹn với lý tưởng cách mạng, với nhân dân, với Tổ quốc, bằng chính những hành động cụ thể và chân thành nhất.
Ở vùng đất “Ra ngõ gặp anh hùng” này, những người lính Hậu Giang vẫn âm thầm viết tiếp câu chuyện đẹp về đạo làm người, về trách nhiệm và tình yêu với nhân dân, với đất nước, với Đảng. Hành trình ấy không ồn ào, không phô trương, nhưng luôn cháy sáng bằng ý chí tự soi, tự sửa, tự rèn mình theo gương Bác Hồ vĩ đại. Đó chính là cách mà cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh “theo dấu chân Người” – bằng cả tấm lòng, bằng nghị lực, và bằng niềm tin vững chắc vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã chọn.