Hậu Giang và Lào Cai có nhiều điểm tương đồng, có thể chia sẻ, hợp tác để cùng nhau phát triển
Chiều 12/3, tại phòng họp số 2 Tỉnh ủy, đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đại diện một số sở, ngành tỉnh đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Tỉnh ủy Lào Cai do đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn đến trao đổi kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội; tham gia đoàn công tác của Tỉnh ủy Lào Cai còn có các đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và lãnh đạo một số ban, sở, ngành của tỉnh.
Thông tin với đoàn công tác của Tỉnh ủy Lào Cai về tiềm năng, thế mạnh và kết quả đạt được của Hậu Giang trong công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Hậu Giang nằm ở trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu, khi mới chia tách, tỉnh gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhất là các cơ sở y tế, giáo dục, tỉnh chưa có trụ sở làm việc, hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, quốc lộ 61 là con đường độc đạo duy nhất nối Hậu Giang với Cần Thơ. Năm 2021, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đứng thứ 2 đồng bằng sông Cửu Long nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên nhiều chỉ tiêu của tỉnh đặt ra đạt ở mức thấp, không tới 50% nghị quyết, trong khi tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành tỉnh khá của khu vực. Đây là nhiệm vụ khó nhưng với tinh thần đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng, Hậu Giang vừa làm vừa học, lan tỏa, áp dụng nhiều kinh nghiệm hay của các tỉnh bạn, trong đó có Lào Cai.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang gửi tặng đoàn công tác của Tỉnh ủy Lào Cai sản phẩm OCOP của tỉnh
Để thống nhất trong chỉ đạo, tỉnh đã ban hành nhiều công văn, kế hoạch, nghị quyết, từ đó đã mang lại những kết quả khá ấn tượng trong năm 2022. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức được chú trọng và đạt nhiều kết quả thiết thực. Công tác tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh được triển khai kịp thời, linh hoạt giữa trực tiếp và trực tuyến để mở rộng thành phần học nghị quyết; trước khi sơ tổng kết chỉ thị nghị quyết, tỉnh đều thành lập các tổ khảo sát cơ sở để nắm thông tin, trong hội nghị chia tổ thảo luận, sau hội nghị tổng kết ý kiến phát biểu, đề xuất kiến nghị của đại biểu từ đó sẽ có giải pháp mới sát tình hình. Công tác cán bộ của Hậu Giang minh bạch, vì mục tiêu chung, dựa trên tiêu chuẩn, năng lực, không ưu ái. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, kế hoạch nâng cao chất lượng cán bộ, thí điểm thi tuyển chức danh, có chính sách đào tạo cán bộ nữ, trẻ, người dân tộc ở các cấp nhất là cơ sở; xây dựng đề án tinh giản biên chế vượt số lượng trung ương giao để tuyển mới cán bộ có năng lực. Công tác kiểm tra, giám sát trọng tâm trọng điểm, thời gian kiểm tra giám sát được rút ngắn so với quy định nhưng vẫn đảm bảo chất lượng; công tác dân vận của Đảng, chính quyền ngày càng hiệu quả thực chất. Trong năm, tỉnh đã tổ chức 09 cuộc tiếp xúc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, từ đó nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của cán bộ, người dân được chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ.
Về kinh tế xã hội, tỉnh luôn quan niệm, Hậu Giang đã đi chậm thì phải tăng tốc, từ đó hằng năm mặc dù giao chỉ tiêu cho từng ngành, từng lĩnh vực theo kế hoạch chung nhưng thực tế từng ngành đều phải thực hiện vượt chỉ tiêu được giao. Với cách làm đó, Hậu Giang đã đạt được nhiều kết quả mà trước giờ ít người dám nghĩ: tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 13,94%, GRDP bình quân đầu người đạt 65,89 triệu đồng/người, vượt 9,82% kế hoạch, tương đương 2.657 USD, tăng 21,43% so cùng kỳ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng khu vực I, tăng khu vực II; cụ thể khu vực I hiện chiếm 24,06%, giảm 3% so cùng kỳ; khu vực II chiếm 29,95%, tăng 6,632% so cùng kỳ; khu vực III chiếm 36,86%; thuế trợ cấp sản phẩm chiếm 9,14%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng cao so cùng kỳ, đạt mức tăng kỷ lục (tăng 1.576 tỷ đồng so năm 2021); nâng tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt 5.976 tỷ đồng, đạt 131,57% dự toán Trung ương và đạt 124,50% dự toán HĐND tỉnh giao.

Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cảm ơn tình cảm chân tình của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang dành cho đoàn. Đồng chí cho biết Lào Cai và Hậu Giang có nhiều điểm tương đồng, có thể hợp tác, bổ trợ cho nhau. Nếu Hậu Giang là tỉnh trung tâm của tiểu vùng Tây Sông Hậu thì Lào Cai là trung tâm của khu vực trung du và miền núi phía Bắc, với 25 dân tộc anh em sinh sống. Hậu Giang có kênh, rạch chằng chịt với dòng Ngã Bảy nổi tiếng xa gần, với kênh xáng Xà No thì Lào Cai là nơi đầu nguồn con sông Hồng chảy vào đất Việt, có dãy Hoàng Liên Sơn Hùng vĩ với đỉnh Phan Xi Păng có độ cao 3.143m được mệnh danh là nóc nhà của Đông Dương, có cửa khẩu quốc tế với lượng hàng hóa, nông sản xuất khẩu vào loại cao nhất của cả nước. Năm 2022, kinh tế - xã hội Lào Cai đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, 42/42 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 3 bậc, đạt hơn 9%; Trường Chính trị Lào Cai là Trường đầu tiên trong hệ thống trường Chính trị cả nước được công nhận đạt chuẩn mức độ 1. Thời gian tới, Lào Cai tập trung tập trung phát triển các trụ cột, nền tảng tăng trưởng theo hướng 1 - 2 - 3 - 4 - 5, với mục tiêu trở thành trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc. Theo đó, Lào Cai sẽ hình thành 1 trục động lực với việc lấy sông Hồng làm trục dọc phát triển, đây là tỉnh đầu tiên lập quy hoạch hơn 100km dọc sông Hồng; hình thành 2 cực phát triển gồm cực phía Bắc kết nối Việt Nam và ASEAN với Tây Nam - Trung Quốc; cực phía Nam kết nối với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và khu vực ASEAN; xây dựng 3 vùng kinh tế gồm vùng trung tâm, vùng cao, vùng thấp; hình thành 4 trụ cột tăng trưởng là kinh tế cửa khẩu - công nghệ chế biến, chế tạo - du lịch - nông, lâm nghiệp và thủy sản; giải quyết 5 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh gồm hoàn thiện cơ chế, thể chế chính sách, phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng, chất lượng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giữ gìn bản sắc, văn hóa, con người Lào Cai.
Ấn tượng với công tác lập quy hoạch, những đổi mới trong công tác cán bộ, sự phát triển vượt bật của Lào Cai, đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đồng ý với quan điểm cho rằng giữa Hậu Giang với Lào Cai có nhiều điểm tương đồng với nhau như cả hai đều là tỉnh được chia tách, buổi ban đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng có khát vọng vươn lên; đối với Hậu Giang, khát vọng đó được thể hiện qua 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược được xác định trong Chương trình Số 50-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và nhiều chỉ tiêu với những con số cụ thể. Hậu Giang cũng đã quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm “Một tâm, Hai tuyến, Ba thành, Bốn trụ, Năm trọng tâm”, đây là sự đột phá trong quy hoạch, khởi nguồn cho sự phát triển tỉnh nhà. Nếu cao tốc Hà Nội - Lào Cai đã góp phần làm thay đổi diện mạo, đưa Lào Cai từ một tỉnh còn nhiều khó khăn trở thành tỉnh phát triển, thì Hậu Giang sắp tới cũng sẽ có 100km đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh, sẽ tạo điều kiện để tỉnh bứt phá, vươn lên. Thời gian tới đồng chí mong muốn hai tỉnh tiếp tục sẽ có sự kết nối, hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực để cùng nhau phát triển như hợp tác trên lĩnh vực du lịch, kết nối về nông sản, giới thiệu, chia sẻ doanh nghiệp, công tác xây dựng đảng.