Hậu Giang: Cần duy trì và phát triển cán bộ nữ có năng lực trong quá trình sắp xếp, sáp nhập cơ quan hành chính nhà nước
Ngày 01/4, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang về thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Tiếp đoàn có đồng chí Lê Thị Thanh Lam, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, đồng chí Võ Thị Mỹ Trang, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Trần Chí Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan tham dự.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc
Thời gian qua, công tác bình đẳng giới và các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh Hậu ngày càng được nâng cao, toàn tỉnh có gần 400 câu lạc bộ, mô hình sinh hoạt dành cho phụ nữ, vị thế của phụ nữ cũng được nâng cao trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.
Trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, tỷ lệ nữ được giới thiệu tham gia ứng cử và trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 30%, cấp huyện đạt 24,90%, cấp xã đạt 26,24%, đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 33,33%. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đạt 20% ở cấp tỉnh, 15,64% ở cấp huyện, 21,74% ở cấp xã. Toàn tỉnh có 25/84 cơ quan UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; 9/19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có nữ giới giữ chức vụ giám đốc, phó giám đốc sở.
Năm 2024, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm, tạo việc làm mới trên 26.000 lao động; trong đó lao động nữ chiếm 40%. Hoạt động tuyên truyền bình đẳng giới trong đời sống gia đình, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được quan tâm, hình thức đa dạng, phong phú.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới của tỉnh Hậu Giang; qua khảo sát cho thấy nhiều chỉ tiêu về bình đẳng giới được thực hiện đạt và vượt. Thời gian tới, đề nghị tỉnh Hậu Giang cần đảm bảo phụ nữ được tiếp cận bình đẳng với các cơ hội mới do sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời, quan tâm thu hẹp khoảng cách về công nghệ số giữa nam với nữ, đặc biệt ở vùng nông thôn. Tỉnh cần bảo đảm yếu tố giới, duy trì và phát triển cán bộ nữ có năng lực trong quá trình sắp xếp, sáp nhập cơ quan hành chính nhà nước; tiếp tục theo dõi tỷ lệ nữ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý sau khi sáp nhập; đánh giá tác động giới sau khi sáp nhập.
Đồng chí Trần Chí Hùng tiếp thu các ý kiến của Đoàn khảo sát để tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới ngày càng đạt kết quả tốt hơn và cho biết UBND tỉnh sẽ sớm hoàn thiện số liệu vào báo cáo, bổ sung kiến nghị của Đoàn để góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới phù hợp với thực tiễn trong thời gian tới.