Giả mạo cơ quan công an hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID, gửi “link lạ” nhằm chiếm quyền kiểm soát điện thoại, sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Đây là thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo đã được cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, nên người dân cần nêu cao cảnh giác.
Đối tượng hướng dẫn người dân tải các app định danh giả mạo, sau đó chiếm quyền kiểm soát điện thoại nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Vào khoảng 17 giờ 20 phút ngày 21-10, phóng viên Báo Hậu Giang nhận được cuộc gọi từ số 0918.668.507, giọng nữ, tự xưng là Công an xã Đông Phước A, huyện Châu Thành nói định danh điện tử mức 2 của phóng viên bị sai sót, không đưa lên hệ thống của Bộ Công an được.
Người này sau đó đề nghị phóng viên xác nhận thông tin cá nhân và đọc đúng họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi cư trú và thông báo phóng viên có thể đến trụ sở Công an huyện Châu Thành để đăng ký lại. Tuy nhiên, người này cho biết, do số lượng người rất đông, chờ đợi 2-3 giờ, nên đối tượng gợi ý sẽ nhờ cán bộ công an huyện hướng dẫn thực hiện qua điện thoại cho thuận tiện.
Khi đồng ý nhờ hỗ trợ, đến 18 giờ 07 phút cùng ngày, điện thoại của phóng viên tiếp tục nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0856.917.765 nói giọng nam và tự xưng là cán bộ công an, cấp bậc đại úy thuộc Công an huyện Châu Thành, yêu cầu phóng viên kết bạn Zalo để được hướng dẫn cụ thể.
Sau đó, đối tượng dùng Zalo tên “Đinh Văn Khanh” kết bạn và gọi thoại qua ứng dụng Zalo nói rằng, nếu thực hiện trên điện thoại iPhone sẽ bị lỗi hệ thống, nên yêu cầu phóng viên phải sử dụng điện thoại có hệ điều hành Android để làm lại định danh. Thời điểm này, phóng viên thử sử dụng một điện thoại Samsung thì được đối tượng hướng dẫn tải ứng dụng tên “Cổng dịch vụ công Bộ Công an” về điện thoại.
Khi tải ứng dụng xong, đối tượng tiếp tục hướng dẫn phóng viên thực hiện các bước để định danh, như đăng nhập thông tin căn cước, mật khẩu… và thông báo dịch vụ này phải đóng phí 15.000 đồng. Để thực hiện đóng phí, đối tượng đề nghị phóng viên đăng nhập app của ngân hàng trên điện thoại để thanh toán phí.
Khi phóng viên cho rằng việc đăng nhập sẽ dẫn đến bị mất tiền trong tài khoản, đối tượng trên dọa, nếu phóng viên không thực hiện điều chỉnh thông tin định danh trong hôm nay, thì tài khoản định danh sẽ bị hủy, ảnh hưởng đến việc thực hiện các thủ tục hành chính sau này. Nếu muốn làm lại phải trực tiếp đến công an để giải quyết với thời gian từ 3-4 ngày.
Để xác minh thông tin, phóng viên sau đó liên hệ với số điện thoại của trực ban Công an huyện Châu Thành, thì được biết Công an huyện không hướng dẫn người dân thực hiện đăng ký định danh qua điện thoại và người dân cần đến trực tiếp công an cấp xã hoặc huyện để được hướng dẫn chi tiết.
Qua thống kê của các cơ quan chức năng, 9 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và có xu hướng ngày càng gia tăng với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Trong đó, một số thủ đoạn phổ biến là giả danh cơ quan chức năng hướng dẫn người dân cài đặt định danh điện tử, bổ sung thông tin căn cước công dân, báo nợ tiền điện, giả làm cán bộ cơ quan thuế yêu cầu nộp thuế, quyết toán thuế…
Trước đó, Công an tỉnh đã phát đi thông tin cảnh giác về cuộc gọi lừa đảo hướng dẫn kích hoạt tài khoản VNeID. Cụ thể, theo Công an tỉnh, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người dân liên quan đến việc cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, các đối tượng xấu đã gọi điện thoại, gửi đường link qua tin nhắn trên các ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook… sau đó, “dụ dỗ” người dân truy cập đường link để cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo (có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật).
Sau khi người dân cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo được cấp quyền truy cập mức cao (bao gồm cả đọc dữ liệu cá nhân và đọc tin nhắn chứa mã OTP), các đối tượng kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng, từ đó chúng thực hiện lệnh chuyển tiền trên điện thoại bị hại để chiếm đoạt tài sản. Công an tỉnh khẳng định, hiện nay, lực lượng công an chỉ hỗ trợ kích hoạt tài khoản định danh điện tử trực tiếp cho người dân, không điện thoại để hướng dẫn kích hoạt.
Để phòng ngừa các đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức này, Công an tỉnh khuyến cáo người dân chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành iOS) và CHPlay (đối với hệ điều hành Android). Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng từ nguồn ngoài, từ các đường link lạ.
Việc đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2 phải do công dân trực tiếp thực hiện, không thể làm thay. Công dân có thể đến trực tiếp công an cấp huyện nơi thường trú, tạm trú hoặc các tổ cấp tài khoản định danh điện tử lưu động để đăng ký làm thủ tục.
Theo đại tá Phan Thanh Minh, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh, khi nhận được cuộc gọi của các đối tượng tự xưng là công an yêu cầu công dân cài đặt ứng dụng VneID giả mạo, cung cấp thông tin cá nhân để kích hoạt tài khoản định danh điện tử thay hoặc các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo khác, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, hãy từ chối ngay lập tức và không làm theo yêu cầu của đối tượng xấu.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân của bản thân cho bất cứ đối tượng nào gọi điện hoặc nhắn tin yêu cầu cung cấp để tránh sa vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.
B.B