(TVVN) Ngày 5/6/1911, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (với tên gọi Văn Ba) bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Trong hành trình bôn ba, gian khổ ấy, Người đã có những quyết định vô cùng quan trọng, mang bước ngoặt, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, sự mẫn cảm chính trị, từng bước đưa Người đến với ánh sáng của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam.
Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu: Báo Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam
Bước ngoặt thứ nhất, lựa chọn hướng đi đúng và cách đi đúng
Khác với các nhà yêu nước đương thời, Nguyễn Ái Quốc đã chọn cho mình một hướng đi mới – đi sang phương Tây, nơi có học thuyết cách mạng tư sản, nơi đã diễn ra các cuộc cách mạng tư sản điển hình, nơi mang “văn minh” đi khai hóa cho các dân tộc khác. Người chọn phương Tây còn vì một lí do rất đơn giản: Muốn tìm hiểu xem đằng sau những từ: “Tự do, bình đẳng, bác ái” là gì rồi về giúp đồng bào mình, “Không vào hang cọp sao bắt được cọp con”. Và ở phương Tây, Người đã tìm thấy chủ nghĩa Mác – Lênin – chân lý của thời đại.
Như vậy, chọn một hướng đi đúng chính là bước ngoặt quan trọng đầu tiên có tính quyết định đến việc lựa chọn con đường cứu nước của Người.
Không dừng lại ở đó, ở bước ngoặt thứ nhất này còn cho thấy: Người đã chọn cách đi đúng – đi vào thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn để tìm hiểu lý luận và từ lý luận để đối chiếu với thực tiễn. Câu chuyện chia tay người bạn trước khi lên tàu ra đi tìm đường cứu nước của Người với hai bàn tay xòe ra đầy quyết tâm đã khẳng định rõ điều đó. Và trong hành trình tìm đường cứu nước, Người đã trải qua rất nhiều nghề: một người thợ ảnh, một người xúc tuyết, một người viết thư pháp trên đồ gốm giả cổ…Trải qua thực tiễn và chính thực tiễn đã tôi luyện ý chí, kinh nghiệm đấu tranh cho Nguyễn Ái Quốc. Cũng chính thực tiễn là những nhịp cầu đưa Người đến với chủ nghĩa chân chính, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất, khoa học nhất.
Bước ngoặt thứ hai, phân biệt rõ “bạn, thù”
Khi sang các nước phương Tây, Người không bị choáng ngợp bởi vẻ hào nhoáng bên ngoài của những kinh đô hoa lệ, sang trọng bậc nhất thế giới lúc bấy giờ. Vì thế, đến thăm tượng Nữ thần tự do (Mỹ), Người không chỉ nhìn thấy vòng nguyệt quế trên đầu tượng Nữ thần mà còn thấy dưới chân Nữ thần rất nhiều nô lệ da đen đang chịu bao tủi cực, đói khổ, áp bức bóc lột… Với óc quan sát tinh tế và khả năng khái quát cao, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến kết luận hết sức quan trọng: Trên thế giới này cho dù màu da khác nhau nhưng chỉ có hai giống người mà thôi. Đó là giống người đi áp bức bóc lột và giống người bị áp bức bóc lột.
Bước ngoặt thứ ba, kiên quyết khước từ con đường cách mạng tư sản
Đến Pháp, Mỹ, Anh - những quốc gia đã trải qua cách mạng tư sản hàng trăm năm, Nguyễn Ái Quốc đã được chứng kiến và nhận thấy rõ, bên cạnh sự phát triển của những quốc gia này, sự bất công vẫn tồn tại. Đó là cơ sở thực tiễn để Người đi đến kết luận hết sức quan trọng: Cách mạng tư sản không đến nơi. Người khẳng định: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi. Tiếng là cộng hòa dân chủ kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức bức thuộc địa, cách mệnh đã bốn lần rồi mà nay công nông Pháp hãy còn phải mưu cách mệnh một lần nữa mới mong thoát khỏi vòng áp bức”. Mặc dù ở thời điểm này, cách mạng tư sản đang có sức “hấp dẫn” lớn đối với những nhà yêu nước đương thời, nhưng chính từ sự “không đến nơi” của nó, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến một quyết định sáng suốt: Kiên quyết khước từ con đường cách mạng tư sản, mặc dù lúc đó Người chưa biết cứu nước bằng con đường nào. Mặt khác, khước từ con đường cứu nước “không đến nơi” là tiền đề giúp Người đến với cách mạng Tháng Mười Nga, đến với cách mạng vô sản – cách mệnh đến nơi, cách mệnh triệt để nhất.
Bước ngoặt thứ tư, thấy rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc
Năm 1919, các nước thắng trận sau Chiến tranh thế giới thứ nhất họp Hội nghị Vécxây (Pháp) nhằm chia lại thuộc địa. Thay mặt những người Việt Nam yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã gửi đến Hội nghị bản Yêu sách của nhân dân An Nam, với những quyền lợi thiết thực của con người, như: Tự do báo chí, tự do hội họp, thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật… Nhưng, Hội nghị đã không chấp nhận. Điều đó là cơ sở để Nguyễn Ái Quốc đưa ra nhận xét: Chủ nghĩa Uyn xơn chỉ là một trò bịp bợm lớn. Sự nghiệp giải phóng các thuộc địa không thể trông chờ vào những lời hứa của các chính khách các nước tư bản mà phải dựa vào chính nội lực và sự nỗ lực, hy sinh… của các nước thuộc địa. Bản Yêu sách là một đòn trực diện đánh vào kẻ thù, như một tiếng bom làm rung chuyển thế giới tư bản ngay tại chính quốc.
Bước ngoặt thứ năm, bắt gặp chủ nghĩa Mác – Lênin.
Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc bắt gặp Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên báo Humanite (Nhân đạo) – Đăng liên tiếp hai số ngày 16, 17/7/1920. Mặc dù chưa hiểu hết nội dung văn kiện quan trọng này, nhưng bằng sự mẫn cảm về chính trị, Người đã khẳng định rằng: Đây là cái cần thiết cho chúng ta, là con đường giải phóng cho chúng ta. Tiếp đó, tháng 12/1920, tại Đại hội lần thứ 18 Đảng Dân chủ Xã hội Pháp, Người đã tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp và bỏ phiếu tán thành việc Đảng Cộng sản Pháp gia nhập Quốc tế III. Hai sự kiện vào tháng 7 và tháng 12/1920 chứng tỏ: Người đã tìm thấy và lựa chọn dứt khoát con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Người khẳng định: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Lựa chọn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng chứng tỏ: Người từ một nhà yêu nước chân chính trở thành một người Cộng sản chân chính; cách mạng Việt Nam chấm dứt sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước.
Trong 10 năm từ 1911-1920, Nguyễn Ái Quốc đã có năm quyết định quan trọng có tính chất bước ngoặt, giúp Người từng bước tìm thấy và lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam – Con đường cách mạng vô sản. Những quyết định sáng suốt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho thấy trí tuệ mẫn tiệp, khả năng phân tích, nhìn nhận đánh giá chính xác tình hình thế giới và trong nước, phân định rõ bạn – thù; cho thấy bản lĩnh độc lập, tự chủ của một nhà cách mạng chân chính. Những bước ngoặt quan trọng trong hành trình ra tìm đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho chúng ta bài học kinh nghiệm hết sức quý báu, mà trước hết là sự bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt phân tích, nhìn nhận, đánh giá chính xác tình hình để đưa ra chủ trương, chính sách phù hợp, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.