Theo Cục An toàn thông tin, thời gian gần đây, lợi dụng ảnh hưởng của bão số 3, trên không gian mạng xuất hiện tình trạng lừa đảo kêu gọi từ thiện để trục lợi và đưa thông tin sai lệch về bão số 3.
Cụ thể, lợi dụng sự quan tâm của người dân và lòng thương cảm của người dân đối với đồng bào vùng lũ lụt miền Bắc, một số fanpage giả được lập lên để kêu gọi ủng hộ từ thiện.
Về thủ đoạn, đối tượng lừa đảo đã tạo tài khoản giả mạo cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức uy tín để đưa ra những thông tin sai lệch về tình hình bão, lũ tại các tỉnh miền Bắc; từ đó, kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Thậm chí, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân nhằm chiếm đoạt.
Đơn cử, các đối tượng làm giả fanpage của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh để mạo danh tổ chức này kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi và lừa chiếm đoạt tài sản.
|
Fanpage trên mạng xã hội Facebook giả mạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh để lừa đảo bằng cách kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. |
Một trường hợp khác, đối tượng tạo lập trang Fanpage giả mạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) để lừa đảo, bằng cách kêu gọi quyên góp, ủng hộ các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu.
Ngoài ra, một số người dùng mạng xã hội cũng phản ánh tình trạng bị lừa đảo tiền từ thiện đóng góp cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Cụ thể, người này đã chuyển số tiền lên cả trăm triệu đồng cho một người mua 2.000 chiếc áo phao để chuyển lên Tuyên Quang. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, người kia đã biến mất "không dấu vết".
Đánh vào sự quan tâm của người dân, các đối tượng đã phát tán thông tin giả mạo, tin tức sai sự thật trên các trang mạng xã hội về tình hình lũ lụt như: Tin giả về vỡ đê Yên Lập (Phú Thọ), vỡ thủy điện ở Bát Xát (Lào Cai), vỡ đê Sông Cầu, vỡ đê ở Bắc Giang,... được lan truyền liên tục.
Thậm chí, còn xuất hiện nhiều tin giả về việc người dân vùng bão lũ, mất điện, không có mạng có thể nhập cú pháp gửi 191 để được dùng Internet miễn phí của Viettel.
|
Thông tin giả về việc người dân vùng bão lũ, mất điện, không có mạng có thể nhập cú pháp gửi 191 để được dùng Internet miễn phí của Viettel. |
Trước sự xuất hiện tràn lan của các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến cũng như hành vi phát tán thông tin sai sự thật liên quan đến bão Yagi, Cục An toàn thông tin khuyên người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vào các tài khoản không rõ nguồn gốc.
Khi nhận được thông tin trên mạng kêu gọi tài trợ hay bán hàng phục vụ phòng chống bão lũ, người dân cần phải kiểm chứng nội dung kỹ càng; đồng thời, theo dõi trên các phương tiện truyền thông chính thống để biết các tổ chức, địa chỉ uy tín tiếp nhận tiền, hàng hóa ủng hộ người dân các địa phương chịu hậu quả nặng nề của bão Yagi và mưa lũ sau bão.
Người dân không nên chuyển tiền cho các cá nhân hoặc tổ chức tự phát không có danh tính rõ ràng; chỉ thực hiện quyên góp thông qua các tài khoản chính thống thuộc cơ quan nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân uy tín. Trường hợp người dùng không nắm rõ thông tin thì có thể tham khảo thêm ý kiến của người thân trong gia đình hoặc cơ quan.
Cục An toàn thông tin cũng khuyến nghị người dân kiểm tra kỹ thông tin trước khi chia sẻ và nâng cao khả năng tự bảo vệ khỏi những thông tin sai lệch; chỉ nên theo dõi các trang thông tin từ chính phủ, cơ quan báo chí có uy tín để cập nhật tin tức chính xác, qua đó hạn chế những rủi ro về lừa đảo trực tuyến hoặc trở thành nạn nhân của đối tượng xấu trên mạng.
Ngoài ra, người dân, cơ quan tổ chức cần đẩy mạnh việc chia sẻ một cách rộng rãi những thông tin cảnh báo về lừa đảo trực tuyến, tin giả, tin sai sự thật để mọi người cùng nêu cao cảnh giác./.