Cách mạng tháng Tám 1945, một mốc son chói lọi trong dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt Nam
Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, chúng ta có thể tự hào và khẳng định rằng, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một cuộc cách mạng vĩ đại nhất. Vĩ đại ở chỗ, cách mạng thành công đã đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ trở thành dân tộc độc lập, đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự do và đi lên chủ nghĩa xã hội. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, được đánh dấu bằng bản Tuyên ngôn Độc lập do Bác Hồ, thay mặt Chính phủ lâm thời đọc tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9/1945. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã viết nên những trang sử vẻ vang với bao chiến công hiển hách. Trong đó, Cách mạng tháng Tám năm 1945 được coi là một trong những mốc son chói lọi nhất, bản anh hùng ca vĩ đại của lịch sử dân tộc thế kỷ XX.
Nguồn tuyengiao.vn
Đúng ngày này cách đây 77 năm, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời hiệu triệu của Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, nhân dân cả nước đứng lên làm cuộc cách mạng giành độc lập tự do cho dân tộc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, tập hợp mọi tầng lớp người Việt Nam yêu nước trong mặt trận dân tộc thống nhất rộng lớn để tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa thành công có ý nghĩa lịch sử.
Tình hình thế giới trong những ngày đầu tháng 8/1945, cuộc chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra chuẩn bị đi đến hồi kết. Sau khi đánh bại hoàn toàn phát xít Đức và chấm dứt chiến sự ở châu Âu, các nước đứng đầu là Mỹ và Liên Xô đã dồn sức tiêu diệt phát xít Nhật ở châu Á, buộc Chính phủ Nhật phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện (13/8/1945). Quân đội Nhật chiếm đóng ở Đông Dương bị tê liệt, mất tinh thần chiến đấu, chính phủ bù nhìn hoang mang cực độ. Trước sự chuyển biến của tình hình, từ ngày 13 - 15/8/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương triệu tập Hội nghị toàn quốc tại Tân Trào (Tuyên Quang), nhận định thời cơ đã đến, quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước trước khi quân Đồng minh vào. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc để kịp thời chỉ đạo thống nhất phong trào khởi nghĩa các địa phương. Từ ngày 14 đến ngày 18/8, nhiều địa phương tuy chưa nhận được lệnh tổng khởi nghĩa, nhưng do nắm vững tinh thần các nghị quyết, chỉ thị trước đó của Đảng Cộng sản Đông Dương, căn cứ vào tình hình thực tiễn đã kịp thời, chủ động, sáng tạo, linh hoạt nổi dậy khởi nghĩa. Bốn tỉnh giành chính quyền sớm nhất là Hải Dương, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam (ngày 18/8/1945). Tại Hà Nội, vào giữa tháng 8/1945, phong trào cách mạng ngày càng dâng cao, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Ngày 19/8, theo lời kêu gọi nổi dậy khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh, đồng bào rầm rập kéo đến quảng trường Nhà hát lớn dự mít tinh trong tiếng hát “Tiến quân ca” và cờ đỏ sao vàng, sau đó chia ra thành nhiều đoàn biểu tình đi chiếm các cơ quan chính quyền địch (phủ khâm sai, tòa thị chính, trại lính bảo an, sở cảnh sát...). Có thể khẳng định, cuộc khởi nghĩa thắng và giành thắng lợi hoàn toàn ở Hà Nội đã cổ vũ to lớn cho phong trào khởi nghĩa ở cả nước. Ngày 23/8, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, nhân dân ta nổi dậy làm chủ thành phố Huế - kinh đô hàng trăm năm của chế độ phong kiến triều Nguyễn và là thủ phủ của chính quyền bù nhìn trung ương, vua Bảo Đại buộc phải thoái vị. Ngày 25/8, Xứ ủy Nam Kỳ đã lãnh đạo nhân dân Sài Gòn giành quyền làm chủ, đánh đổ thành lũy cuối cùng của chế độ thực dân. Thắng lợi của các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám trong phạm vi cả nước. Chỉ trong vòng nửa tháng (từ 14 - 28/8/1945) cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chính quyền cả nước thuộc về tay nhân dân.
Như vậy, chỉ trong vòng 15 năm kể từ khi Đảng ta ra đời (1930 - 1945), Đảng ta đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành ba cao trào cách mạng: một là, cao trào cách mạng 1930 - 1931, với đỉnh cao là phong trào Xô - viết - Nghệ Tĩnh; hai là, cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939); ba là, cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939 - 1945). Trong tháng tám lịch sử, với nghệ thuật lãnh đạo tài tình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chớp thời cơ thuận lợi nhất, lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam tiến hành “tổng khởi nghĩa, đánh đổ đế quốc, phong kiến, thành lập nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Qua thắng lợi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mạng tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”(1).
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công và giành thắng lợi, đó là sự hội tụ của ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; là thắng lợi vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể đất nước lúc bấy giờ. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã chứng minh một chân lý của thời đại: các dân tộc bị đô hộ áp bức, bót lột, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường với đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì khát vọng hòa bình và biết tranh thủ sức mạnh của thời đại thì dân tộc đó nhất định thắng lợi. Vì thế, trong diễn văn kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, Người khẳng định: “Suốt trong 80 năm nước ta bị Pháp chiếm, nhân dân ta từ Nam đến Bắc đã nhiều lần nổi dậy chống giặc ngoại xâm. Nhưng vì bọn vua quan hèn mạt, câu kết với địch, phản nước hại dân, cho nên các cuộc khởi nghĩa đều thất bại. Cách mạng Nga thành công đã thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, dạy cho họ cách tổ chức, đấu tranh và giành thắng lợi. Nhờ vậy mà ta có Đảng tiên phong, có Mặt trận dân tộc thống nhất, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân, kiên quyết đấu tranh cho độc lập tự do, làm Cách mạng tháng Tám thắng lợi. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân dân ta được hoàn toàn giải phóng: Đã phá tan cái xiềng xích nô lệ thực dân, đã đập đổ cái chế độ thối nát của vua quan phong kiến, đã lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Từ đó dân ta làm chủ nước ta”(2).
Đối với Hậu Giang, sau gần 18 năm thành lập, với khẩu hiệu “phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững”, cùng tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết, năng động, sáng tạo và quyết tâm cao, Hậu Giang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, đang xây dựng nhiều định hướng quan trọng để tỉnh nhà “cất cánh”, “vươn mình” sớm trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt năm 2021, trong bối cảnh rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng Hậu Giang vẫn tạo được ấn tượng bởi những cái “đầu tiên”: lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế của tỉnh xếp thứ hai trong 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cao hơn so với mức bình quân của khu vực và cả nước (đạt 3,08%); lần đầu tiên sau hơn 18 năm thành lập, Hậu Giang thu ngân sách trên 4.700 tỷ, trong đó thu nội địa là 4433 tỷ, vượt 35% kế hoạch Trung ương giao. GRDP bình quân đầu người đạt 54,4 triệu đồng/người, tăng 4,92% so cùng kỳ; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thuộc tốp 7 đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long trên 82%.
Riêng 6 tháng đầu năm 2022, Hậu Giang tiếp tục đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng phát triển nhanh và bền vững, quy mô kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, đạt 11%, cao nhất đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 8 trong cả nước, trong đó công nghiệp tăng trưởng đột phá 30,81%, nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đạt 4,49%; thu nội địa cao và vượt tiến độ Chính phủ giao; môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh, vượt kế hoạch cả năm. Đặc biệt: tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022, Giải Marathon Quốc tế Vietcomnbank Mekong Delta - Hậu Giang 2022, Đại hội thể dục thể thao tỉnh lần thứ IX. Công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được chú trọng, tạo thế trận an ninh nhân dân vững chắc từ cơ sở; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm triển khai nghiêm túc.
Cách mạng tháng Tám thành công đã để lại bài học quý báu và mang ý nghĩa thời đại. Đó là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Đảng đề ra được đường lối cách mạng đúng đắn, có phương pháp khoa học, hình thức đấu tranh phù hợp, biết nắm bắt thời cơ, xây dựng lực lượng và tổ chức, phát huy được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để cùng nhân dân tiến lên giành và giữ chính quyền.
Ngày nay, trong quá trình phát triển đất nước, bài học ấy tiếp tục được Đảng ta vận dụng, tại Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(3).
Tài liệu tham khảo:
(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập,tập 7, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011; tr.26.
(2). Hồ Chí Minh, Toàn tập,Sđd, tập 10, tr.85.
(3). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr.33.