Hậu Giang: Họp mặt kỷ niệm 79 năm ngày Truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam
Chiều ngày 14-11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang tổ chức họp mặt kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (14/11/1945 - 14/11/2024) và kỷ niệm 20 năm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Hậu Giang hình thành và phát triển. Tham dự có bà Mã Thị Tươi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Cách đây 79 năm (14/11/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông với nhiệm vụ chăm lo chỉ đạo phát triển nền nông, lâm nghiệp nước nhà. Năm 1995, Bộ Canh nông đã đổi tên thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngày 18 tháng 06 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 890/QĐ-TTg lấy ngày 14 tháng 11 hằng năm là “Ngày Truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam”.
Tại buổi họp mặt kỷ niệm, lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp thực hiện nghi thức ứng dụng phần mềm hỗ trợ chuyển đổi số của ngành nông nghiệp tỉnh.
79 năm qua, ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam luôn khẳng định vai trò của sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, luôn gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển đất nước, từ thời kháng chiến giành độc lập đến giai đoạn thống nhất đất nước và đổi mới hiện nay; ngày 14/11 cũng là mốc thời gian có ý nghĩa quan trọng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhiều thế hệ đã góp sức xây dựng và phát triển ngành Nông nghiệp; qua đó khuyến khích, động viên và tạo phong trào thi đua trong toàn ngành để thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh tế - chính trị được Đảng, Nhà nước giao.
Đối với Hậu Giang, dấu ấn 20 năm ngành nông nghiệp của tỉnh là đơn vị đã xác định những khâu đột phá để phát triển đúng hướng từ giai đoạn đầu sau khi thành lập tỉnh. Cụ thể, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; chỉ đạo sản xuất dựa trên thế mạnh từng vùng; sau đó quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa lớn và từng bước xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu một số loại nông - thủy sản chủ lực; quảng bá thương hiệu các mặt hàng nông sản; đến giai đoạn tập trung triển khai mạnh mẽ các chương trình, đề án, dự án phục vụ cho cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Từ việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp trên nên những năm qua, sản xuất nông nghiệp hàng năm đóng góp hơn 3% GRDP của tỉnh. Trong đó, cơ cấu khu vực I đến nay chiếm khoảng 21% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất năm 2023 của ngành nông nghiệp tỉnh đạt 15.700 tỷ đồng và ước năm 2024 đạt hơn 16.600 tỷ đồng. Trong đó, trồng trọt chiếm 66,8%, thủy sản chiếm 13,3%, chăn nuôi chiếm 10,3%, dịch vụ nông nghiệp chiếm 8,7% và lâm nghiệp chiếm 0,9%.
Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn; tập trung tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh; đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, tuần hoàn nhằm đảm bảo an toàn chất lượng. Bên cạnh đó, tổ chức triển khai có hiệu quả đề án một triệu héc-ta vùng lúa chất lượng cao theo kế hoạch đề ra; đồng thời quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh gắn với truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, toàn ngành cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, quyết liệt, hướng về cơ sở cùng với bà con nông dân cố gắng, nỗ lực hơn nữa để đưa nông nghiệp tỉnh nhà vững bước tiến lên tầm cao mới.