Dựa vào dân để xây dựng đảng luôn là chủ trương đúng đắn, xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(1). Kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm dựa vào dân để xây dựng Đảng, từ kháng chiến chống Mỹ đến nay, Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị luôn dựa vào Nhân dân để phát huy vai trò của của Nhân dân trong việc tham gia các hoạt dộng nói chung và hoạt động xây dựng Đảng nói riêng.
Nhân dân tham gia chống Mỹ
Hiệp định Giơ - ne - vơ được ký kết (tháng 7 – 1954), đất nước ta bị chia cắt hai miền Nam, Bắc. Đế quốc Mỹ đã dùng âm mưu, thủ đoạn trực tiếp nhảy vào xâm lược miền Nam Việt Nam. Chúng đã thành lập chính phủ tay sai Ngô Đình Diệm, thực hiện cuộc chiến tranh đơn phương, thẳng tay đàn áp các phong trào cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định và xác định rõ kẻ thù, đánh giá tương quan lực lượng một cách cụ thể của từng giai đoạn và đề ra chủ trương chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, kể ra sẽ không thể đầy đủ về sức dân Hậu Giang đã giúp đỡ cách mạng, nhưng nhớ lại có thể thấy, lúc nào cách mạng cần là dân sẵn lòng. Như cùng bộ đội đào kênh, hầm hào trú ẩn, là nuôi chứa bộ đội hoạt động, tiếp tế lương thực... Nhờ đó, góp phần không nhỏ cho ngày đại thắng 30-4-1975.
Ngược dòng lịch sử, sau Đồng Khởi năm 1960, chiến tranh càng ác liệt, khó khăn, để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực… được sự thống nhất của trên, năm 1961, một con kênh nội đồng ở Ấp 2, xã Xà Phiên được đào thông ra sông Cái và phía Ấp 12, thị trấn Vĩnh Viễn ngày nay. “Ngày hoàn thành, huyện, xã thống nhất tên kênh Chống Mỹ vì được đào trong thời đại chống Mỹ và phục vụ chống Mỹ”, ông Phạm Minh Giữ (Năm Giữ), ở Ấp 2, xã Xà Phiên, kể lại.
Khi đào đắp, ông Năm là đoàn viên và cũng là dân quân du kích đã tích cực vận động người dân tham gia. “Dân quân du kích hồi đó sung lắm nên khi có yêu cầu là xung phong đào, toàn thể bà con khi được thông báo cũng mang leng, cuốc ra đào tiếp, cỡ hơn 2 tháng là xong. Hồi đó, tôi tham gia đào gần 20 ngày”, ông Năm Giữ kể.
Con kênh Chống Mỹ hoàn thành, Nhân dân 2 bên bờ kênh được tiếp thêm động lực đánh giặc; tạo điều kiện cho bộ đội hành quân dễ dàng, là thủy đạo để ta ém quân, luồng sâu đánh vào các đồn địch một cách bất ngờ. Có ít nhất 3-4 con kênh mang tên như vậy thấm đẫm sức dân ở Hậu Giang…
Trong kháng chiến, nhà ông Năm Giữ cũng là trạm xá dành để cứu chữa thương binh với 5-6 cán bộ phục vụ; quanh khuôn viên nhà là nơi đóng quân của các đơn vị chủ lực, có cả đơn vị của Trung đoàn 10 - Sông Hương. “Thời chiến dân thương bộ đội, dân chứa cán bộ không nghĩ gì đâu, có tốn kém chi phí ăn uống gì đó tôi cũng sẵn sàng. Đó là tấm lòng của dân với cách mạng”, ông Năm nói thêm.
Ông Lê Văn Dẫu, nguyên Tham mưu trưởng, nguyên Huyện đội trưởng huyện Châu Thành (cũ), từng vào sinh ra tử, sống chết gang tấc, được dân che chở, đùm bọc trong kháng chiến chống Mỹ, kể dân mình lén lút cho bộ đội nhiều lắm, tuy có giai đoạn quân - dân bị tách ra nhưng lòng dân vẫn hướng về cách mạng. “Một người cho lần 1-2 thùng gạo, mà nhiều người lén đưa vô lắm nên bộ đội luôn có cái ăn, vững bụng mà giết giặc”, ông Dẫu nói thêm.
Còn bà Hà và má, ở xã Long Bình, huyện Long Mỹ (cũ), những năm 1970-1972, khi được cho hay là cùng 4-5 người dân trong xóm gói bánh lá dừa, bánh tét để gửi khi bộ đội hành quân ngang hoặc chở vô căn cứ. “Mỗi lần như vậy tụi tôi xuất tiền túi, nếp, đậu… của nhà ra làm chứ không tính toán gì đâu. Gói xong, chở cả xuồng 5 lá vào căn cứ cho bộ đội để dành ăn nhiều ngày”, bà Hà kể lại.
Tấm lòng của người dân cả nước nói chung, Hậu Giang nói riêng với bộ đội, với cách mạng không thể đo, đong, đếm được, mà chỉ phải khẳng định lại rằng: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến này, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Để rồi Mỹ cút, ngụy nhào; chúng ngậm ngùi, cay đắng, âm thầm ôn lại bài học của thực dân Pháp khi thảm bại ở Điện Biên Phủ: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”.
Ông Nguyễn Duy Lếnh, ở ấp 6, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ nói: “Dân tốt với bộ đội, với cách mạng thực chất là tốt với Đảng; dân che chở, đùm bọc đảng viên, tổ chức đảng, từ đó Đảng có nhiều thuận lợi lãnh đạo phong trào cách mạng đi đến toàn thắng, độc lập, tự do như hôm nay. Cũng chính vì thế mà thời gian gần đây Đảng ta đã làm sâu sắc thêm quan điểm: dựa vào dân để xây dựng Đảng. Tôi cho rằng dựa vào Nhân dân thời chiến hay thời bình đều mang lại kết quả tốt đẹp”.
Biết dựa vào dân lúc nào cũng có kết quả tốt.
Sức mạnh của Nhân dân ngày nay được Đảng ta “gọi tên” để chung tay xây dựng Đảng thêm trong sạch, vững mạnh.
Với sức mạnh của 90 triệu dân tham gia xây dựng Đảng thì tất yếu mạnh hơn 5 triệu đảng viên. Sức mạnh đó được đúc kết từ thực tiễn sinh động, đó là: Nhân dân luôn đứng về phía Đảng khi Đảng mắc khuyết điểm, sai lầm hoặc thông qua những hoạt động chính trị: tiếp xúc cử tri, người đứng đầu cấp ủy đối thoại với Nhân dân, những mô hình lắng nghe dân nói…
Đánh giá cao sức mạnh của Nhân dân trong kháng chiến và công cuộc đổi mới hiện nay, ông Trương Văn Bé, 39 tuổi Đảng, thương binh 3/4, ở thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, cho biết dựa vào dân lúc nào cũng có kết quả tốt.
Ông Trương Văn Bé nói thêm, thời chiến dân cùng Đảng đánh giặc, thời bình dân là gốc của mọi vấn đề, vì vậy, ông đề nghị: “Phải hết sức coi trọng mối quan hệ giữa quân với dân; giữa cán bộ, đảng viên với dân. Từng vấn đề nhỏ Đảng phải thông qua dân, dân làm gì Đảng cũng phải biết, như vậy mới gọi là dựa vào Nhân dân, dựa vào nhau để vững mạnh”.
Ông Phạm Tấn Dẫm, cán bộ lão thành, 40 tuổi Đảng, ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, nói trong chiến tranh hay hòa bình, Nhân dân luôn trung thành, gắn bó với Đảng, vì vậy, phải lắng nghe dân nói nhiều hơn, phát huy hơn nữa quyền làm chủ của Nhân dân trong các lĩnh vực. “Chúng ta đã có quy định về dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng, thì cần làm sâu sắc, đổi mới hơn nội dung này để dân dễ dàng tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng Đảng theo quan điểm của Đại hội XIII”, ông Dẫm nhấn mạnh.
Ông Trần Quang Minh, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Vị Thanh, cho biết, hình thức lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tổ chức đối thoại với đoàn viên, hội viên và Nhân dân là một trong những cách làm lắng nghe thực tế cuộc sống để xây dựng tổ chức đảng hoạt động ngày càng hiệu quả, các cấp chính quyền thêm gần gũi Nhân dân. Bởi từ đây, cấp ủy, chính quyền biết nghị quyết, chương trình của mình được thực hiện tốt hay chưa tốt để phát huy, điều chỉnh, đáp ứng ngày càng hiệu quả hơn nhu cầu cuộc sống của người dân.
Theo ông Trần Quang Minh, cuộc sống của bà con là một trong những bức tranh phản ánh ta xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng hình ảnh đảng viên tận tụy vì một xã hội thêm tiến bộ ra sao. “Đảng viên có năng lực, ý thức phục vụ cao sẽ làm chuyển biến một cách tích cực đơn vị, địa phương mình công tác, là cầu nối giữa Đảng với dân, giúp Nhân dân tin tưởng và ủng hộ cấp ủy, chính quyền hơn trong phát triển. Đó là một trong những cách đảng viên thực hiện quan điểm “dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng”, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Vị Thanh trao đổi thêm.
Còn Phó Chủ tịch HĐND xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy Võ Văn Triệu cho biết, chúng ta có 2 quy định khá rõ ràng về dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng, đó là Quyết định số 217 ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Quyết định số 218 ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Trong đó, Quyết định số 218 tạo hành lang rất rộng để đoàn thể, Nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình.
Ở xã Vị Thanh, thực hiện 2 quyết định trên, vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, Nhân dân khá rõ nét. Là công chức đại diện cơ quan dân cử, ông Triệu từng ghi nhận ý kiến phản ánh của dân về thái độ chưa tốt của một vài công chức xã, cán bộ ấp; với trách nhiệm của mình, Phó Chủ tịch HĐND xã giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo lại để chấn chỉnh. Đó là cách mà theo ông Triệu để cùng nhau xây dựng hình ảnh đảng viên cơ sở trong mắt người dân ngày càng đẹp hơn.
Đời sống Nhân dân cũng nói lên công tác xây dựng Đảng ở địa phương, nhưng ông Triệu còn cho biết, nếu chịu lắng nghe những cá nhân thường xuyên có góp ý với cấp ủy, chính quyền mà giải quyết thấu đáo, họ cũng sẽ là người “kiến tạo” thêm về sự đồng thuận trong xóm ấp để nhân dân chung sức với chi bộ xây dựng Đảng thêm vững mạnh.
Ông Dẫm, ông Bé, ông Minh… đứng trên lập trường nhân dân khẳng định Nhân dân có vai trò không thể thiếu trong bảo vệ, xây dựng, phát triển quê hương và là chủ thể quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng giai đoạn hội nhập.
Đúc kết sâu sắc hơn trong quá trình công tác, cống hiến, nhiều cán bộ lão thành nói: Nơi nào phát triển nhất là nơi đó đảng viên có ý thức chính trị, tinh thần dân tộc cao nhất. Nguồn lực trong dân là vô hạn nên sự phát triển của quê hương hôm nay càng phải trân trọng sức dân, ý kiến của Nhân dân.
Họ cũng cho rằng, phát huy sức mạnh của Nhân dân để xây dựng Đảng đã và đang được Hậu Giang thực hiện; nhìn nhận thấu đáo thì rõ ta có nhiều cách làm dựa vào dân để củng cố thêm sức mạnh của cấp ủy đảng, làm cho Đảng thêm trong sạch, vững mạnh. “Trước khi có những quy định mang tính chất hệ thống thể chế quan điểm “dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng”, cần thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn mang tính chất “dựa vào nhân dân” để Nhân lên sức mạnh dân tộc phát triển đất nước phồn vinh. Phải hết sức quan tâm thực hành, phát huy rộng rãi quyền làm chủ của Nhân dân và vai trò chủ thể của nhân dân; thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, ông Trần Ngọc Lâm, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Vị Thanh, cho biết.
Đại hội XIII khẳng định, Đảng ta là Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền. Lãnh đạo, cầm quyền nhưng Đảng ta đặt niềm tin vào Nhân dân để chủ thể này tham gia xây dựng Đảng, cho thấy sự trọng thị, hết sức tin tưởng Nhân dân của Đảng. Trong các nhiệm vụ, giải pháp được trình bày trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng (tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng) cũng khẳng định: “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp uỷ đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận. Tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan đảng, nhà nước và cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”(2).
***
Thế kỷ XX, hai thực dân, đế quốc hung mạnh không thể đánh bại một dân tộc yêu nước, chuộng hòa bình; thế kỷ XXI, Đảng khẳng định dựa vào dân tộc đó - dựa vào Nhân dân để hoàn thiện mình hơn. Đó là dân tộc - Nhân dân Việt Nam…
Ảnh: Cầu Chống Mỹ bắc qua kênh Chống Mỹ ở xã Xà Phiên là biểu tượng của sức mạnh lòng dân trong kháng chiến chống Mỹ và xây dựng quê hương ngày nay.
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.5, tr. 335.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.II, tr. 248