PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC THẮNG LỢI CỦA CUỘC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945
Một trong những thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động là phủ nhận những thành quả cách mạng của đất nước ta, hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng, bác bỏ mọi sự nỗ lực, quyết tâm và thành công của dân tộc Việt Nam. Chúng ra tung ra các luận điệu, quan điểm vô căn cứ, bịa đặt, vu cáo trắng trợn hòng để phủi sạch những thành tựu to lớn của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của chúng ta. Các thế lực thù địch, phản động dùng nhiều luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chúng cho rằng “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sai lầm của lịch sử”[1]. Không chỉ vậy, chúng còn cho rằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám mà Việt Nam giành được “đó là sự ăn may, vì Nhật thua trong chiến tranh thế giới thứ hai, chứ Đảng Cộng sản chẳng có tài cán gì”[2], đó là hoàn toàn là xuyên tạc, sai trái, thù địch, với mục tiêu hạ thấp uy tín, danh dự của Đảng, chia rẻ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây hoang mang, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ta.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thành quả của một quá trình chuẩn bị hết sức công phu, là sự quyết tâm chính trị rất lớn, là niềm khát vọng vô bờ bến của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà đúng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc. Để có được thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phải bôn ba tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc, Người đã đến với chủ nghĩa Mác –Lênin và khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[3]. Từ đó, Người đã thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, trải qua những “cuộc tổng diễn tập” như: Cao trào cách mạng 1930 – 1931, Cao trào cách mạng 1936 – 1939 và 1939 – 1945 là những tiền đề rất quan trọng tạo nên sự thành công của Cách mạng Tháng Tám.
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu – TTXVN
Để có được Cách mạng Tháng Tám vĩ đại ấy, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải tích cực chuẩn bị những điều kiện, tiền đề, xây dựng, củng cố lực lượng cách mạng, hoạch định đường lối đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Tiêu biểu là tháng 5/1941, Bác Hồ đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Đảng tại Khuổi Nậm (Pác Bó) quyết định giành độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) đã lôi cuốn, tập hợp quần chúng cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Đây là một trong trong những sự chuẩn bị rất quan trọng để giành chiến thắng, giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của thực dân, phong kiến. Hội nghị Trung ương 8, tháng 5-1941, Đảng ta cho rằng phải có năm điều kiện: “Một là, xây dựng, phát triển và củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Nhật - Pháp ở khắp nơi. Hai là, gây một phong trào đấu tranh rộng rãi và quyết liệt để cứu nước, cứu dân. Ba là, chuẩn bị lực lượng vũ trang, phát triển và củng cố các đội tự vệ, các đơn vị du kích, thành lập, phát triển và củng cố các căn cứ địa du kích. Tuyên truyền binh lính của đế quốc. Bốn là, vũ trang lý luận và kinh nghiệm khởi nghĩa giành chính quyền cho cán bộ, đảng viên, nghiên cứu kinh nghiệm của các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương...Năm là, củng cố và phát triển Đảng ở cả thành thị và nông thôn, phải xây dựng cho được những cơ sở của Đảng và cơ sở cứu quốc ở các nơi tập trung công nhân, các đường giao thông chiến lược”[4]. Năm điều kiện đó là những yếu tố cơ bản để tăng cường thực lực cách mạng và làm chuyển biến tình hình so sánh lực lượng có lợi cho ta giành chiến thắng trong Cách mạng Tháng Tám.
Nói đến thắng lợi Cách mạng Tháng Tám phải nói đến nghệ thuật nắm bắt thời cơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, là một dấu mốc lịch sử góp phần quyết định thắng lợi của cách mạng, mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Với chiến thắng của Liên Xô và các lực lượng Đồng minh trước chủ nghĩa phát xít, thời cơ cách mạng đã đến với nhiều nước trên thế giới. Ngay trong đêm Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương (9-3-1945), Hội nghị Thường vụ mở rộng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường Chinh, đã khai mạc tại chùa Đồng Kỵ, sau đó họp tiếp tại làng Đình Bảng (Bắc Ninh), ra ngay Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” vào ngày 12-3-1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[5]. Cách mạng tháng Tám năm 1945, thời cơ tồn tại một cách khách quan trong vòng 20 ngày, bắt đầu từ khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng (ngày 15-8) và kết thúc khi quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta theo Hiệp định Pốt-xđam (ngày 5-9). Nếu phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc trước ngày 15-8 quân Nhật còn mạnh và sau ngày 5-9 trên đất nước ta có nhiều kẻ thù, cách mạng đều không có khả năng thành công. Đảng và Nhân dân ta đã chớp thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền thắng lợi trong ngưỡng thời gian khắc nghiệt đó. Đó là sự tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nghệ thuật nắm bắt thời cơ vàng để tiến hành tổng khởi nghĩa thành công chứ không phải “là sự ăn may” như các thế lực thù đich đã xuyên tạc.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một chiến công hiển hách, rất đáng tự hào của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là những minh chứng sống động về tính cách mạng, khoa học của học thuyết Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; thắng lợi là bước ngoặt vĩ đại trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân ta, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Cách mạng Tháng Tám là động lực to lớn đã cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trên thế giới.
[1] Vũ Văn Hiền (chủ biên) (2020), Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đại hội XIII của Đảng, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.25.
[2] Vũ Văn Hiền (chủ biên) (2020), Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đại hội XIII của Đảng, Sđd, tr.26.
[3] Vũ Văn Hiền (chủ biên) (2020), Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đại hội XIII của Đảng, Sđd, tr.28.
[4] https://tapchicongsan.org.vn/nghien-cu/-/2018/41269/nghe-thuat-nam-bat-thoi-co-cua-dang-trong-cach-mang-thang-tam-nam-1945.aspx
[5] Xem bản bút tích lưu tại Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam