Vietcombank đồng hành Đề án hỗ trợ vay vốn phục vụ phát triển kinh tế ở địa bàn nông thôn Hậu Giang
Ngày 16/5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên có buổi làm việc với các sở, ngành liên quan và Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), để triển khai Đề án thí điểm hỗ trợ vay vốn phục vụ phát triển kinh tế ở địa bàn nông thôn tỉnh Hậu Giang.
Quang cảnh buổi họp
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên cho biết, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của nhân dân, doanh nghiệp, Hậu Giang đang xây dựng Đề án “Thí điểm hỗ trợ vay vốn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang” nhằm cung cấp đủ vốn với lãi suất phù hợp nhất cho nền kinh tế; thúc đẩy quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất, thu mua chế biến tiêu thụ hàng hóa; nâng cao tính minh bạch, ý thức, tinh thần, trách nhiệm hỗ trợ của chính người vay vốn và các tổ chức tín dụng; tạo điều kiện để các loại hình kinh tế tập thể phát triển. Đặc biệt những vấn đề người dân khu vực nông thôn, hợp tác xã đang gặp khó trong tiếp cận tín dụng như định giá tài sản, chưa có cơ chế cho vay đối với đối tượng không có tài sản đảm bảo, chưa có cơ chế vào cuộc của các cấp chính quyền…
Nắm bắt nhu cầu này, Vietcombank đưa ra kế hoạch triển khai gói tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, du lịch tỉnh Hậu Giang; nguyên tắc xây dựng gói trên cơ sở bám sát Đề án của tỉnh và tuân thủ quy định của pháp luật và Vietcombank; tận dụng sự thông hiểu địa bàn của Chi nhánh Vietcombank để áp dụng chính sách chung, kết hợp tiêu chí khác biệt theo đề án địa bàn tỉnh Hậu Giang. Gói tín dụng dự kiến 100 tỷ đồng, đối tượng cho vay là người dân khu vực nông thôn, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đang gặp khó trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, nhằm mục đích tài trợ sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nông thôn, du lịch; tài sản đảm bảo là đất nông nghiệp và đất ở nông thôn; số tiền cho vay tối đa là 3 tỷ đồng và tùy thuộc vào định mức tín dụng nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Hậu Giang. Vietcombank cần sự hỗ trợ của địa phương trong việc sàng lọc khách hàng, giám sát khách hàng và hỗ trợ thu nợ, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, thời gian triển khai gói đến hết tháng 12 năm 2024.
Đối với đề xuất của tỉnh về cho vay đối với loại không có tài sản đảm bảo thì Vietcombank sẽ xem xét theo đối tượng vay. Trên cơ sở dự thảo Đề án thí điểm của tỉnh, Vietcombank sẽ đồng hành cùng tỉnh thực hiện đề án theo hướng tăng khả năng tiếp cận tín dụng với chi phí vốn hợp lý nhất, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân. Theo đó, nếu sự hấp thụ, hiệu quả sử dụng vốn tốt thì sẵn sàng tăng nguồn vốn cho vay. Để triển khai đề án, đề nghị lãnh đạo tỉnh sớm ban hành đề án, đồng thời cho định mức khung khu vực nông thôn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên cho rằng mục tiêu của Đề án là vì sự phát triển của người dân. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh mong muốn Ngân hàng Vietcombank tiếp tục nghiên cứu về trường hợp người dân không có tài sản thế chấp đảm bảo cho vay bằng phương pháp sản xuất kinh doanh, các đơn vị phối hợp xây dựng định mức nhu cầu vay vốn phù hợp đối với đất nông nghiệp để làm cơ sở hoàn thiện gói vay…