Hậu Giang: Tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 7/8/2019 của Bộ Chính trị
Ngày 28/8/2024, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng, với sự tham dự của các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban chấp hành Đảng bộ huyện/thành phố tỉnh Hậu Giang bằng hình thức trực tiếp và trực tiếp ở các điểm cầu. Hội nghị còn có sự tham dự của các đồng chí đại diện Văn phòng và các Ban đảng Trung ương theo dõi địa bàn. Hội nghị đã thảo luận và thông qua nhiều nội dung quan trọng về tổng kết và triển khai các văn bản của Trung ương và của tỉnh, trong đó có Dự thảo Báo cáo Tổng kết 05 năm thực hiện Kết luận số 54 –KT/TW ngày 7/8/2019 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
Quang cảnh hội nghị
Ngoài Dự thảo Báo cáo Tổng kết 05 năm thực hiện Kết luận số 54 –KL/TW của Bộ Chính trị, Hội nghị còn được nghe 06 báo cáo tham luận chuyên đề của Sở Tài nguyên và Môi trường: “Việc thực hiện các quy định về đất đai và chủ trương tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trên địa bàn tỉnh”; Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh: “Kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa nông thôn và hiệu quả các chương trình hỗ trợ người dân nông thôn, người nghèo và các đối tượng chính sách”; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Tham luận về tổ chức lực lượng thú y từ tỉnh đến cơ sở; công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng; công tác kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm”; Hội Nông dân tỉnh: “Phát huy sức mạnh đoàn thể chính trị - xã hội tham gia thực hiện Kết luận số 54-KL/TW”; Huyện ủy Phụng Hiệp: “Vai trò của cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận số 54-KL/TW”; Đảng ủy xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ: “Tham luận về những thuận lợi và khó khăn trong thực hiện Kết luận số 54-KL/TW tại địa phương”. Đây là những vấn đề sát sườn, xuất phát từ thực tiễn trong quá trình đảng bộ, chính quyền, các cấp ủy và đoàn thể trong Tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Hậu Giang.
Với sự chuẩn kỹ lưỡng, khoa học, có nhiều sự đổi mới mang tính đột phá của Tỉnh ủy Hậu Giang trong việc tổ chức quán triệt, triển khai, tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Kết luận 54 –KL/TW của Bộ Chính trị; Từ nội dung Dự thảo báo cáo Tổng kết và 06 báo cáo tham luận chuyên đề có tính thực tiễn cao, có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện Kết luận số 54-KL/TW được các cấp ủy đảng, chính quyền Hậu Giang quan tâm chỉ đạo quyết liệt và đạt được những kết quả rất quan trọng.
Cùng với sự nỗ lực và ý chí quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh đã bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, vượt qua khó khăn, thách thức giành được nhiều kết quả quan trọng, tạo nhiều chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực, trong đó có sự chuyển biến rõ nét, thực chất về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đời sống, việc làm người dân được cải thiện nhanh, thu nhập bình quân đầu người vươn lên là tỉnh khá trong khu vực (bình quân 87 triệu đồng/người); tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, giảm 1%/năm. Kinh tế nông nghiệp phát triển và chuyển dịch tích cực, đã và đang có sản phẩm sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng mở rộng, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được đưa vào sản xuất, một số loại sản phẩm được sản xuất với quy mô tập trung, phương thức công nghiệp, an toàn môi trường và đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Nông thôn của tỉnh phát triển khá nhanh và toàn diện, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống Nhân dân; cơ sở hạ tầng, hệ thống chính trị ở nông thôn hoạt động ngày càng hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả nổi bật, Báo cáo Tổng kết 05 năm thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 7/8/2019 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và các ý kiến tham luận tại Hội nghị cũng chỉ rõ những hạn chế cần tập trung khắc phục, đó là: nông nghiệp phát triển chưa bền vững; nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, trong khi chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Năng suất lao động thấp, thu nhập của nông dân còn bấp bênh. Hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, kết nối kinh tế nông thôn - đô thị còn hạn chế. Việc phát triển nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn được thực hiện, nhưng chưa nhiều.