Cột mốc Trường Sa là biểu tượng của ý chí, quyết tâm trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với Đại đội Thông tin, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hậu Giang, mô hình này không chỉ có ý nghĩa chính trị mà còn khơi dậy niềm hào dân tộc, ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Một buổi tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Đại đội thông tin
Đến Đại đội thông tin, Phòng tham mưu, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hậu Giang đúng lúc đơn vị tổ chức“Ngày sinh hoạt chính trị, văn hóa, tinh thần”. Đơn vị đã phố biến nhiều nội dung về pháp luật của Nhà nước, điều lệnh quân đội cũng như giải thích những thắc mắc của chiến sĩ. Thiếu tá Mai Văn Khởi, Đại đội trưởng chia sẻ: “Trong mỗi buổi sinh hoạt, chúng tôi chỉ tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để có điều kiện phân tích kỹ, liên hệ thực tế, thảo luận, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền. Ngoài ra, để sinh động hơn, chúng tôi còn lồng ghép các hoạt động tuyên truyền khác, trong đó có nội dung tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam thông qua mô hình “Cột mốc Trường Sa” được xây dựng trong khuôn viên đơn vị. Đây là sáng kiến của các thế hệ đi trước và chúng tôi tiếp tục phát huy. Nhờ đó đã tạo được không khí vui tươi, phấn khởi trong học tập, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ; nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ.”
Binh nhất Nguyễn Hoàng Huy chia sẻ: “Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, em đã được học về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Mỗi lần thấy hình ảnh quần đảo Trường Sa xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, em lại thấy thêm tự hào và thêm yêu quê hương. Hiện nay, với tư cách là một quân nhân, một người lính trẻ, có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, càng làm cho tình yêu Tổ quốc trong em thêm bền chặt. Sự tiếp xúc, hiểu biết này cũng giúp em và đồng đội luôn hướng về Trường Sa, sẵn sàng bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.”
Trung sĩ Nguyễn Minh Duy tâm sự: “Mỗi khi đứng trước biểu tượng Cột mốc Trường Sa, tôi luôn tự hào về đất nước Việt Nam và những người chiến sĩ, qua đó tôi hiểu hơn những gian khổ, hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước. Hôm nay, với tư cách là người lính Bộ đội Cụ Hồ, tôi sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó”.
“Không phải ai cũng đến được Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng mô hình đã giúp chúng ta có nhận thức đúng về biển, đảo và ý thức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy chúng ta phải rèn luyện bản lĩnh, học tập thật tốt để luôn sẵn sàng chiến đấu, không để Tổ quốc bị bất ngờ trong mọi tình huống” - Đó là chia sẻ của thiếu úy Trần Minh Nhí, Trung đội trưởng Trung đội cơ động.
Được biết, mô hình “Cột mốc Trường Sa” được đưa vào phục vụ từ tháng 6/2019 và nhận được sự hưởng ứng của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Việc làm này đã trở thành một giải pháp sáng tạo, hiệu quả để giáo dục bản lĩnh chính trị đoàn kết, lan tỏa tình yêu chủ quyền biển, đảo. Ngoài việc thể hiện niềm tự hào, sự quan tâm đoàn kết vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, mô hình này còn được các em học sinh địa phương đến tham quan, tìm hiểu, góp phần nâng cao, ý thức, tinh thần yêu nước và giáo dục các thế hệ trẻ về ý nghĩa, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo trước mắt và lâu dài.
Thiếu tá Mai Văn Khởi chia sẻ thêm: Mô hình “Cột mốc Trường Sa là giải pháp hiệu quả, sáng tạo giáo dục bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và góp phần tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam; hy vọng mô hình này được nhân rộng để mọi người hiểu sâu sắc hơn về biển, đảo, cùng nhau bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Sự hiện diện của Cột mốc Trường Sa trong các hoạt động của đơn vị không chỉ thể hiện niềm tự hào, sự quan tâm đối với chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc mà còn tạo không khí thi đua sôi nổi, gắn kết hơn giữa cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ được giao.”
Qua tâm sự của cán bộ, chiến sĩ đơn vị khiến chúng ta tự hào, trân trọng trước sự hy sinh của các chiến sĩ để bảo vệ toàn vẹn Tổ quốc. Cột mốc Trường Sa là biểu tượng tinh thần, tôn vinh chủ quyền, khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Hơn nữa, đây còn là thông điệp rõ ràng, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Chúng ta phải đoàn kết bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng ấy, vì một nước Việt Nam phát triển bền vững, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
Mô hình “Cột mốc Trường Sa” đã tác động tích cực đến nhận thức chính trị tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ, giúp mọi người nêu cao tinh thần trách nhiệm, gắn bó với Tổ quốc trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, trở thành giải pháp hữu hiệu, sáng tạo nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức chấp hành tổ chức kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ.
Có thể nói, việc phát huy hiệu quả của mô hình “Cột mốc Trường Sa” là một cú hích mạnh mẽ, là nhân tố mới cần được nhân rộng để các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân nêu cao tinh thần yêu nước, yêu biển đảo quê hương. Với LLVT, đây là nhân tố quan trọng để cán bộ chiến sĩ LLVT tỉnh nói chung trong đó có cán bộ chiến sĩ Đại đội thông tin sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.