Thực hiện 4 không, 2 phải để phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng
Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường… chúng không chỉ nhắm đến người già, người thất nghiệp, phụ nữ… mà ngay cả những người có trình độ, công việc ổn định cũng bị các đối tượng lôi kéo, lừa đảo; gây ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân, tình hình an ninh, trật tự; gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Trong năm 2023, Công an tỉnh đã khởi tố 12 vụ, bắt, xử lý 52 đối tượng liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với số tiền lừa đảo, chiếm đoạt lên đến hàng tỷ đồng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiều cá nhân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, trong đó nguyên nhân lớn nhất là do chưa có nhận thức đầy đủ, không đủ khả năng phát hiện các hành vi lừa đảo của các đối tượng. Trên địa bàn tỉnh, nổi lên 04 thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng là:
1. Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp: Các đối tượng tạo các trang, nhóm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm đầu tư chứng khoán, tiền ảo để thu hút, lôi kéo người tham gia, hướng dẫn tải ứng dụng hoặc truy cập website để tham gia chơi chứng khoán, tiền ảo. Thời gian đầu, khi nạn nhân tham gia với số tiền nhỏ, các đối tượng sẽ chi trả tiền hoa hồng hấp dẫn và yêu cầu nạn nhân đầu tư với số tiền lớn hơn, rồi viện nhiều lý do buộc nạn nhân tiếp tục chuyển nhiều khoản phí để nhận được tiền gốc và hoa hồng cho đến khi nạn nhân nhận ra mình bị lừa hoặc mất khả năng chi trả thì chúng loại nạn nhân khỏi nhóm, cắt liên lạc và chiếm toàn bộ tiền đầu tư.
2. Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi quà, bưu kiện: các đối tượng giả danh tài khoản của người thành đạt, giàu có hoặc phụ nữ xinh đẹp nhắn tin làm quen, tạo tình cảm rồi lôi kéo nạn nhân tham gia đầu tư tài chính, khi đầu tư số tiền nhỏ các đối tượng sẽ chia lợi nhuận, yêu cầu nạn nhân đầu tư số tiền lớn rồi chiếm đoạt. Một thủ đoạn khác nữa là các đối tượng sẽ đề nghị tặng quà cho nạn nhân hoặc nhờ nạn nhân làm trung gian để nhận quà từ nước ngoài gửi về. Quà gửi thường là những món hàng có giá trị như: tiền, vàng, đồ trang sức... Sau khi gửi quà, các đối tượng lấy danh nghĩa nhân viên hải quan, công ty giao hàng, ngân hàng,… gọi điện cho nạn nhân yêu cầu nộp phí vận chuyển, thuế hải quan, nộp phạt vì quà tặng thuộc mặt hàng cấm gửi qua bưu điện, chuyển phát nhanh. Khi nạn nhân chuyển khoản, đối tượng lừa đảo sẽ khóa tài khoản mạng xã hội và cắt đứt liên lạc với nạn nhân.
3. Quảng cáo lấy lại tiền bị lừa đảo hoặc tiền đang bị treo trên hệ thống: chúng lập nhiều trang, nhóm tự xưng là luật sư, chuyên gia an ninh mạng,… hứa hẹn sẽ thu hồi tiền bị chiếm đoạt, tiền bị treo trên hệ thống chuyển lại cho nạn nhân. Để lấy lại tiền, đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển các khoản phí như “xác minh thông tin”, “bồi dưỡng cán bộ”… rồi chiếm đoạt.
4. Lừa đảo tuyển cộng tác viên online: các đối tượng điện thoại, nhắn tin cho nạn nhân tự xưng là nhân viên các sàn giao dịch lớn như Lazada, Shoope, Tiki… tuyển cộng tác viên làm việc tại nhà; ban đầu chúng yêu cầu nạn nhân mua hàng, làm nhiệm vụ với số tiền nhỏ và chi trả lợi nhuận hấp dẫn; sau đó yêu cầu nạn nhân tham gia nhiều đơn hàng, nhiệm vụ với số tiền lớn rồi viện nhiều lý do buộc nạn nhân tiếp tục chuyển nhiều khoản phí để nhận được tiền gốc và hoa hồng cho đến khi nhận ra mình bị lừa hoặc mất khả chi trả thì chúng cắt liên lạc và chiếm toàn bộ tiền đầu tư.
Để kịp thời phổ biến các phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm trên không gian mạng đến công nhân, viên chức và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh phòng, tránh, Công an tỉnh đã triển khai chiến dịch tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng, đồng thời lan tỏa thông điệp của bộ Bộ Công an thực hiện “4 không, 2 phải” để phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng cụ thể:
4 KHÔNG
1. Không sợ: Không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ gửi đến có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân, thông báo có liên quan đến các vụ việc, vụ án...
2. Không tham: Không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận “phi thực tế” mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”...
3. Không kết bạn với người lạ: Khi có người lạ mặt trên mạng xã hội kết bạn làm quen, mời tham gia các hội nhóm mà không rõ là ai, mục đích thì không nên kết bạn, trao đổi, tham gia; không được cung cấp thông tin cá nhân để đối tượng có thể lợi dụng.
4. Không chuyển khoản: Khi các cá nhân không quen biết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu chuyển tiền hay làm một số việc thì tuyệt đối không được làm theo.
2 PHẢI
1. Phải thường xuyên cảnh giác: Chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như: Thông tin thẻ căn cước công dân; thông tin tài khoản ngân hàng; thông tin tài khoản mạng xã hội...
2. Phải tố giác ngay với Công an khi có nghi ngờ: Khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo hoặc không có cơ sở khẳng định nội dung thì các cá nhân phải báo ngay cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý.
Công an tỉnh khuyến cáo người dân thực hiện “4 không, 2 phải” để phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng và tự trang bị kiến thức cần thiết khi tham gia hoạt động trên Internet, đồng thời tích cực tuyên truyền cho người thân, bạn bè biết các phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm mạng. Nếu phát hiện lừa đảo trên không gian mạng, người dân nhanh chống liên hệ với cơ quan Công an gần nhất hoặc Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh, tại số 9, Đại lộ Võ Nguyên Giáp, phường 5, thành phố Vị Thanh hoặc số điện thoại: 0693.769.105 để được hướng dẫn, xử lý.