(HG) - Chiều ngày 10-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chủ trì phiên họp trực tuyến lần thứ ba Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Đại biểu dự phiên họp trực tuyến tại điểm cầu UBND tỉnh.
Dự phiên họp trực tuyến tại điểm cầu UBND tỉnh Hậu Giang có ông Đồng Văn Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh.
Bộ Dân tộc và Tôn giáo cho biết, theo báo cáo ban đầu của các bộ, ngành, địa phương (thời điểm tháng 8-2024), cả nước còn khoảng 315.000 hộ gia đình người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo đang ở trong những căn nhà tạm, nhà dột nát, không đảm bảo an toàn hoặc chưa có nhà ở cần được hỗ trợ để cải thiện nhà ở. Tuy nhiên, đến nay, sau rà soát sơ bộ, còn khoảng 223.146 căn. Đến nay, 100% địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát; 36 địa phương đã tổ chức chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà đột nát trên địa bàn với kinh phí huy động được trên 2.690 tỉ đồng. Tính đến hết ngày 6-3, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên 121.600 căn, đạt 54,5% kế hoạch.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái; tình dân tộc, nghĩa đồng bào; lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” của dân tộc. Từ nay đến cuối năm, cả nước phải hoàn thành hơn 101.000 căn trong thời gian rất gấp. Bình quân cả nước phải xóa 459 căn/ngày, mỗi địa phương phải xóa 8 căn/ngày. Để hoàn thành mục tiêu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương bàn làm, không bàn lùi; tích cực khắc phục khó khăn, nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả; phân công theo tinh thần 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm”; tiếp tục phát huy tinh thần “ai có gì giúp nấy, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít, ai có công giúp công, ai có của giúp của”. Ngoài ra, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; quan tâm biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có cách làm hay, hiệu quả, hoàn thành xuất sắc trong thực hiện phong trào…
BÍCH CHÂU